Hỗ trợ doanh nghiệp

Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang: Hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam "kêu cứu"

DNVN - Tại cuộc họp trao đổi về việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang và chế phẩm do VCCI tổ chức chiều 6/9 tại Hà Nội, hơn 40 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu Ấn Độ đã đồng loạt lên tiếng kêu cứu, đề nghị Nhà nước, cùng các bộ, ngành liên quan có hành động quyết liệt và thích hợp để giải quyết rào cản thương mại nghiêm trọng này.
Cuộc họp có sự tham dự của ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI; các đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao; cùng đại diện của hơn 40 doanh nghiệp (DN) và nông dân chịu tác động của việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu (NK) hương nhang và các chế phẩm.
Biện pháp hạn chế của Ấn Độ là gì?
Ngày 31/8/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) ban hành Thông báo số 15/2015-2020 về việc điều chỉnh chính sách NK đối với mặt hàng hương nhang. Theo đó, việc NK hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Điều đáng nói là thông báo có hiệu lực ngay trong ngày 31/8/2019.
Đánh giá đây là vụ việc khá nghiêm trọng, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, hiện chưa có hiệp hội hay nhóm đại diện cho ngành sản xuất hương nhang. Và đây là lý do khiến VCCI tổ chức cuộc họp hôm nay nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối để các DN lên tiếng, qua đó các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo bà Trang, Thông báo số 15/2015-2020 của Ấn Độ gồm thông tin duy nhất, đó là sản phẩm hương nhang và các chế phẩm có hai mã HS 33074100 và 33074900 sẽ được chuyển từ chế độ chính sách nhập khẩu hiện tại là "tự do" sang chế độ "hạn chế".
Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Thông tin cung cấp từ các DN cho thấy, cán bộ Tổng cục Ngoại thưởng Ấn Độ đã gửi thư tới cơ quan hải quan Ấn Độ. Công văn nêu rõ: DN nhập khẩu những sản phẩm có liên quan thuộc hai mã HS trên phải làm thủ tục xin cấp phép nhập khẩu. Thời hạn có hiệu lực của quy định này bắt đầu từ ngày 31/8. Bức thư cũng giải thích từ "hạn chế" có nghĩa là để nhập khẩu được thì phải xin giấy phép và phải được Tổng cục Ngoại thương chấp thuận. Văn bản cũng nêu các biện pháp chuyển tiếp áp dụng cho những trường hợp mà Ấn Độ gọi là chuyển tiếp.
Theo bà Trang, Ấn Độ đã có một danh sách về cơ chế NK hạn chế. Trước thời điểm ngày 31/8/2019, danh sách đó có 248 mặt hàng nằm trong danh sách đã áp dụng quy định đó. Với thông báo hiện tại, Ấn Độ bổ sung thêm hai mã hàng vào danh sách đó.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, Ấn Độ có thể không cần phải quy định gì bởi vì thủ tục áp dụng cho những mặt hàng NK hạn chế đã có rồi, giờ chỉ chuyển vào. Theo thủ tục của Ấn Độ, trước khi NK phải làm đơn xin phép NK. Từ tháng 3/2019, Ấn Độ thực hiện việc làm đơn này bằng hình thức online. Đơn này được xem xét bởi một ban liên bộ và kết quả xem xét được công bố trên trang web của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ. Và căn cứ vào kết quả xem xét thì hàng hóa có thể được nhập khẩu hoặc không được nhập khẩu tùy theo kết quả xem xét.
"Vấn đề ở chỗ là Ấn Độ không đưa ra tiêu chí nào để xem xét. Với những mặt hàng khác, với mỗi mặt hàng, sẽ có quy định riêng có liên quan. Nhưng mặt hàng hương nhang cho đến nay chưa có bất kỳ thông tin nào về việc được cấp phép như thế nào. Đây chính là điều DN băn khoăn, lo lắng bởi vì không có tiêu chí cấp phép thì đồng nghĩa với việc hạn chế NK cũng giống như cấm NK, và hệ quả là như nhau. Vậy nên lo lắng của DN là hoàn toàn hợp lý," bà Trang nhấn mạnh.
Vậy quy định như vậy tác động như thế nào đến ngành sản xuất hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ của DN Việt Nam? Theo thống kê, đối với mặt hàng có mã HS 33074100 trong năm 2018 Việt Nam xuất khẩu khoảng 77 triệu USD. Xét về kim ngạch xuất khẩu thì không phải là lớn. Điều đáng chú ý là sản xuất hương nhang sang Ấn Độ rất đặc biệt bởi các DN sản xuất hương nhang thô chỉ phục vụ cho xuất khẩu sang Ấn Độ, không dùng cho bất kỳ thị trường khác, không chuyển đi đâu được. Cả sản phẩm thành phẩm và nguyên liệu
đều không được dùng cho việc khác. Thứ hai, các DN Việt Nam cung cấp tới 90% kim ngạch NK mặt hàng này của Ấn Độ. Do đó, DN không thể chờ nước nào "kêu cứu" cùng. Ấn Độ là thị trường duy nhất của sản xuất hương nhang XK sang Ấn Độ. Có thể nói, đây là 1 ngành riêng vì chỉ có DN nhóm này bị ảnh hưởng.
Đặc thù của ngành sản xuất hương nhang XK sang Ấn Độ và và nguy cơ triệt tiêu của DN Việt
Chia sẻ về đặc thù của ngành sản xuất hương nhang XK sang Ấn Độ khác với sản phẩm hương truyền thống, ông Võ Xuân Hậu - Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị Trường Giang cho biết, hương nhang XK sang Ấn Độ là phôi hương, được sản xuất từ tăm tre, mùn cưa - chế phẩm trong ngành sản xuất gỗ, than hoa và bột keo của cây bời lời.
Mang theo một túi phôi hương xuất khẩu sang Ấn Độ, ông Hậu giới thiệu, que hương XK sang Ấn Độ có kích thước đặc biệt khi chỉ dài từ 17 đến 22cm, ngắn hơn nhiều so với que hương truyền thống.
"Ngành sản xuất hương nhang XK sang Ấn Độ đã đóng góp vào nguồn thu NSNN là từ 70 triệu USD đến 100 triệu USD/năm. Hai bên giao thương trên 20 năm qua và ngành này đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người quá tuổi lao động, người khuyết tật, những người yếu thế ở vùng sâu, vùng xa của nước ta", ông Hậu cho hay.
Qua đó, ông Hậu đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngừng ngay Thông báo số 15 và để độ trễ từ 2-4 tháng giúp doanh nghiệp Ấn Độ xin giấy phép và các doanh nghiệp Việt Nam bố trí sản xuất hợp lý.
"Hơn nữa, việc áp dụng ngay là không bao giờ có tiền lệ trên toàn thế giới, nó chỉ áp dụng với những thảm họa đột ngột. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước sẽ sụp đổ", ông Hậu nói.
Đại diện cho 1 DN có hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất hương nhang với trên 1.000 lao động, bà Chu Thị Nguyệt - đại diện Công ty TNHH Ánh Hồng cho biết, để phục vụ cho việc XK hương nhang thô sang Ấn Độ, DN của bà phải đầu tư 800 chiếc máy với giá thành 16 triệu đồng/máy, cũng như phải chuẩn bị nguyên liệu, phụ tùng như lò sấy...
Bà Chu Thị Nguyệt - đại diện Công ty TNHH Ánh Hồng chia sẻ khó khăn tại cuộc họp.

Bà Chu Thị Nguyệt - đại diện Công ty TNHH Ánh Hồng chia sẻ khó khăn tại cuộc họp.

"Công ty vừa xin được 2 ha đất. Do hoạt động sản xuất kinh doanh đang ổn định nên DN đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng. Bây giờ, Ấn Độ đột ngột ra thông báo số 15. Hàng nguyên liệu cùng hàng tồn kho trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Chúng tôi không biết phải làm thế nào. Trong khi 30% công nhân của công ty là người khuyết tật, người cao tuổi. Do đó, tôi tha thiết mong muốn Chính phủ Việt Nam làm việc với Chính phủ Ấn Độ để đấu tranh cho tất cả các công ty trở lại sản xuất bình thường, đảm bảo việc làm cho người lao động", bà Nguyệt đề xuất.
Đại diện cho nhóm DN ở miền Nam, ông Phan Thành Luân - Giám đốc Công ty XNK Liên Thành cho biết, quy trình sản xuất hương nhang XK cho Ấn Độ không thể áp dụng để XK cho các nước khác cũng như thị trường nội địa bởi đặc thù của thị trường Ấn Độ là chỉ NK hương nhang thô.
"Khi Ấn Độ dừng XK, toàn bộ các DN bị triệt tiêu vì không thể sản xuất được và XK sang các thị trường khác do không trùng với đặc tính kỹ thuật. Ngoài ra, người lao động quá tuổi và những người yếu thế không thể tìm được việc làm trong khi ngành này đòi hỏi nhiều nhân công", ông Luân giãi bày.
Cũng theo ông Luân, quyết định của Ấn Độ cũng khiến hiệp hội ngành gỗ lo ngại, cụ thể là ngành mùn cưa bị ảnh hưởng bởi chi phí để xử lý mùn cưa rất vất vả. Thực tế là mùn cưa không được dùng cho việc gì khác ngoài làm nguyên liệu để sản xuất hương thô. Nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra..
"Do vậy, qua cuộc họp này, tôi đề nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ kịp thời để không xảy ra ô nhiễm môi trường, đồng thời hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân và tiêu thị hàng tồn đọng cho DN", ông Luân kiến nghị.
Trước đó, ngày 11/9, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại) đã làm việc với ông Rajesh Uike, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ và một số cán bộ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Cuộc gặp được tổ chức nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang đang gặp khó khăn do Ấn Độ đột ngột yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã nêu quan ngại sâu sắc đối với việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang và các chế phẩm từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” theo Thông báo 15/2015-2020 ngày 31/8/2019 của Bộ Công Thương Ấn Độ.
Bộ Công Thương đã đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ tích cực hỗ trợ giải quyết vấn đề thông qua việc ngay lập tức trao đổi với các cơ quan chức năng Ấn Độ mà trước hết là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, báo cáo Chính phủ Ấn Độ về những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam, các nhà nhập khẩu Ấn Độ từ việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hương nhang của phía Ấn Độ một cách đột ngột và không thông báo trước.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan chức năng của Ấn Độ cần xem xét trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019; Xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10 năm 2019). Ngoài ra, phía Việt Nam đề nghị, về lâu dài, đề nghị gỡ bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo