Hỗ trợ doanh nghiệp

Áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam

DNVN - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Các tổ chức quốc tế phản đối dự thảo "nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su phải đóng phí xử lý chất thải" / Pháp đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu vải thiều Việt Nam gắn tem iTrace247

Theo Nghị quyết 60, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (dưới đây gọi tắt là Dự án đường cao tốc) được Quốc hội khóa XIV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 với 11 dự án thành phần, trong đó có 7 dự án đã khởi công và 4 dự án sắp khởi công.

Theo báo cáo của một số địa phương thuộc phạm vi Dự án đường cao tốc và Bộ Giao thông vận tải, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) khai thác tại các mỏ còn thời hạn chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu của Dự án đường cao tốc. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu không đủ vật liệu cung cấp cho các dự án thành phần sẽ dẫn tới nguy cơ Dự án đường cao tốc không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu nên cần có “cơ chế đặc thù” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi cấp phép mới cũng như khi tăng công suất cho các mỏ đã cấp phép, tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Sau khi nghe Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã trao đổi, thảo luận và thống nhất quyết nghị:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số “cơ chế đặc thù” sau đây:

Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công Dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc.

Đối với các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

Triển khai dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ chậm tiến độ do thiếu đất đắp đường. Ảnh: Theo Báo Đồng Nai

Triển khai dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ chậm tiến độ do thiếu đất đắp đường. Ảnh: Theo Báo Đồng Nai

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu vật liệu thi công

Hồi đầu tháng 6, truyền thông đã phản ánh việc khan hiếm nguồn vật liệu thi công, đặc biệt là đất đắp nền đường khiến việc triển khai thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ.

Gói thầu xây lắp số 3 có chiều dài hơn 35km là một trong 2 gói thầu xây lắp thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được triển khai thi công trên địa bàn Đồng Nai. Tháng 10/2020, liên doanh nhà thầu gồm Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính (liên doanh Vinaconex - Trung Chính), đơn vị trúng thầu gói thầu số 3 đã chính thức triển khai nhân công, máy móc thi công công trình.

Đến nay, các hạng mục của gói thầu đã được liên doanh nhà thầu triển khai thi công để đảm bảo tiến độ cam kết trong hợp đồng. Trong quá trình thi công, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đất để phục vụ đắp nền đường. Theo tính toán, gói thầu số 3 cần khoảng 3,4 triệu m3 đất san lấp nhưng đến nay nhà thầu mới chỉ có khoảng 1,2 triệu m3 đất san lấp được tận dụng trong quá trình bóc tách khi thi công tuyến. Đối với hơn 2 triệu m3 đất san lấp còn lại, nhà thầu vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung ứng. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn đất san lấp còn lại, nguy cơ vào cuối tháng 6 này, việc thi công gói thầu số 3 sẽ bị đình trệ, kéo theo việc ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công toàn dự án.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công hiện nay là thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường. Theo hồ sơ kỹ thuật, nguồn đất san lấp phục vụ thi công gói thầu số 3 được lấy từ 4 mỏ đất trên địa bàn 2 huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Tuy nhiên đến nay, các mỏ này vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác. Hiện nhà thầu phải đi mua đất trên thị trường để thi công một số đoạn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì khối lượng đất rất hạn chế, cự ly vận chuyển lại xa nên sẽ không đảm bảo phương án tài chính ban đầu.

 

Tương tự, việc thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường cũng đang gây ra nhiều khó khăn đối với nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 4, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Gói thầu số 4 có chiều dài 16km, cần gần 1 triệu m3 đất đắp nền đường.

Gói thầu số 4 thuộc liên doanh nhà thầu Công ty CP Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, đơn vị trúng thầu thi công cho biết, hiện nhà thầu phải mua đất từ mỏ đá Núi Nứa (TP.Long Khánh) để phục vụ thi công, đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, đất ở mỏ đá Núi Nứa là đất tầng phủ, có lẫn đá, sau khi khai thác phải nghiền thì mới dùng để đắp nền đường.

Ngoài việc phải tốn thêm chi phí cho máy móc, nhân công lu dầm để đảm bảo yêu cầu chất lượng, cự ly vận chuyển đất từ mỏ đá Núi Nứa về công trường lên đến 20km cũng khiến giá đất tăng rất cao. Mỗi mét khối đất mua ở mỏ đá Núi Nứa có giá 88.000 đồng nhưng vận chuyển về đến công trường thì tăng lên 148.000 đồng. Trong khi đó, theo hồ sơ đã được duyệt, mỗi mét khối đất phục vụ gói thầu số 4 có giá khoảng 80.000 đồng. Giá đất tăng cao khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

Đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác vật liệu san lấp

Theo chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhu cầu về đất san lấp phục vụ thi công vào khoảng 2,9 triệu m3, chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến.

 

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trên địa bàn Đồng Nai có tổng số 10 mỏ đất đắp nền đường với trữ lượng khoảng 9 triệu m3. Tuy nhiên, trong số các mỏ đất nói trên, hiện mới chỉ có 3 mỏ được cấp phép khai thác với trữ lượng thực tế chỉ khoảng 1,25 triệu m3.

Song hiện nay, phần lớn đất phục vụ đắp nền đường chủ yếu là đất tận dụng, điều phối trong quá trình thi công. Trong khi đó, đất từ các mỏ đưa vào thi công rất ít.

Trên thực tế, do dự án xây dựng Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia nên Đồng Nai cũng đã ưu tiên các giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thi công. Đối với nguồn vật liệu san lấp, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, việc khai thác đất san lấp chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Môi trường, Luật Đầu tư. Do đó, việc thực hiện phải tuân thủ các luật trên.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm