Hỗ trợ doanh nghiệp

Bài học liên kết doanh nghiệp nội

Việc “đơn thương độc mã” và kém liên kết với nhau khiến cho nhiều doanh nghiệp nội địa vốn đang gặp khó vì dịch Covid-19 lại càng chồng chất khó khăn hơn.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Nhìn vào tình trạng hàng loạt nhà hàng, quán ăn buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng cho thuê ở những căn nhà mặt tiền trên một số tuyến đường có tiếng là sầm uất ở Tp.HCM, nhiều ý kiến cho rằng đó là một trong những bằng chứng về sự liên kết lỏng lẻo trong bối cảnh khó khăn này.

Đắt đỏ vì yếu liên kết

Đơn cử như trên mặt tiền tuyến phố Phan Xích Long (quận Phú Nhuận). Trong khi hoạt động kinh doanh ăn uống có dấu hiệu ế ẩm do ảnh hưởng dịch bệnh thì giá mặt bằng cho thuê vẫn cực kỳ đắt đỏ. Mức giá dao động khoảng 100 triệu đồng/tháng, thậm chí với những mặt bằng rộng thì giá thuê có thể đến 300 triệu đồng/tháng.

Gặp khó với dịch bệnh, DN ngành hàng nông sản cần liên kết tốt hơn

Gặp khó với dịch bệnh, DN ngành hàng nông sản cần liên kết tốt hơn

Với việc giá thuê mặt bằng, văn phòng tỷ lệ nghịch với doanh thu sụt giảm, thiếu đi sự đồng cảm liên kết hỗ trợ trong lúc khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp (DN) cơ sở sản xuất kinh doanh càng thêm gánh nặng chi phí.

Trong khi đó, theo nhận định của bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam, chi phí làm văn phòng sẽ còn tăng, sự phụ thuộc còn cao vào nguyên liệu nhập khẩu tại các thị trường như Tp.HCM sẽ làm tăng chi phí thiết kế văn phòng do thuế nhập khẩu.

Một khía cạnh nhỏ được đặt ra là nếu như các nguyên liệu thiết kế làm văn phòng, cửa hàng kinh doanh được cung cấp bởi các DN trong nước với chất lượng tốt, giá rẻ hơn thay vì nhập khẩu thì chi phí thuê có thể sẽ được kéo giảm.

Điều đó cho thấy, để giảm chi phí thuê văn phòng hay mặt bằng kinh doanh, một trong những yếu tố quan trọng là rất cần có sự liên kết với nhau giữa bên cho thuê với các nhà kinh doanh và đơn vị thiết kế.

 

Không chỉ với chi phí thuê, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Võ Văn Đức, giám đốc một DN kinh doanh ngành hàng cà phê ở quận 10, cho rằng để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN nội địa cần liên kết hỗ trợ với nhau, từ văn phòng, mặt bằng kinh doanh cho đến việc mua nguyên vật liệu, hàng hoá của nhau.

Tuy vậy, việc liên kết này, theo ông Đức, xem ra vẫn còn rất mỏng manh. Có thể thấy ở tình trạng một số chuỗi nhà hàng, quán ăn đã phải đóng cửa do thua lỗ liên tục bởi chi phí vận hành quá cao và do sự cạnh tranh khốc liệt, thậm chí kém lành mạnh giữa các nhà kinh doanh với nhau.

Khi mà ngày càng nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong lúc này rất sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN nội địa, nhất là liên kết theo chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thế giới, đặc biệt khi muốn vào các thị trường lớn.

Mất lợi thế cạnh tranh

Thực tế cho thấy, nhiều DN vừa và nhỏ hiện nay do thiếu liên kết nên gặp không ít khó khăn trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Do đó, họ thường mất lợi thế cạnh tranh không chỉ về mặt giá mà còn về chất lượng và tốc độ trong thị trường hiện tại.

 

Mặt khác, kiểu sản xuất kinh doanh “đơn thương độc mã”, nhỏ lẻ khiến cho việc tạo ra sản phẩm chưa đảm bảo về chất lượng và sự an toàn đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, nhấn mạnh liên kết là một trong những giải pháp mà các DN nội địa cần nghĩ đến trong lúc này, bởi lẽ sẽ giúp DN sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững hơn trong chuỗi cung – cầu.

“DN tham gia liên kết sẽ thống nhất vai trò của từng đối tượng ở từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở này, DN có thể xây dựng thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng đối với sản phẩm, cũng như đối với từng đơn vị tham gia liên kết”, ông Viên chia sẻ điều này với các DN sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm khi bàn về xử lý tình huống thời dịch Covid-19.

Ngay như trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, việc liên kết được cho điểm yếu của các DN nội địa trong nhiều năm nay khi vẫn “đơn thương độc mã” và mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, nếu các DN nội liên kết chặt chẽ thì việc giải bài toán đầu ra và nâng giá trị nông sản Việt trở nên dễ dàng hơn.

Đặc biệt là các hiệp hội DN cũng cần làm tốt hơn nữa việc liên kết chặt giữa các DN đối với chuỗi cung cầu trong ngành hàng của mình. Trong khi đó, theo tổng thư ký một hiệp hội trong ngành hàng nông sản, biết rằng việc liên kết là rất quan trọng nhưng hiệp hội hiện nay chủ yếu quy tụ các nhà DN và không thể bắt buộc họ làm thế này thế kia.

 

Giới chuyên gia chỉ rõ, do thiếu liên kết nhau, nên có khá nhiều DN trong ngành hàng nông lâm thuỷ sản hiện vẫn chưa tạo lập được chuỗi cung ứng nguyên liệu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng.

Hoặc như việc thiếu liên kết giữa khâu nguyên liệu và khâu chế biến ngay ở trong nước nên nhiều DN chỉ xuất khẩu thô nông sản giá rẻ cho các nhà nhập khẩu gia công chế biến lại và gắn mác sản phẩm của họ.

Hơn thế nữa, ngay cả việc liên kết giữa DN nông nghiệp với người nông dân chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, liên kết chủ yếu vẫn theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán, nên thiệt thòi thường vẫn là người nông dân. Và việc “giải cứu” nông sản trong mùa dịch Covid-19 này chính là một bài học lớn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm