Hỗ trợ doanh nghiệp

Bến Tre: Nhiều giải pháp khơi thông thị trường nông sản

DNVN - Trước việc tiêu thụ nông sản tại nhiều huyện như Bình Đại, Chợ Lách, Ba Tri... gặp khó khăn, các sở, ngành, địa phương đang vào cuộc hỗ trợ.

Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 / Đẩy nhanh tiến độ kết nối tiêu thụ nông sản qua các kênh online

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân, đợt giãn cách thứ hai, huyện vận động tiêu thụ được 200 tấn, số lượng còn lại được phơi sấy khô. Hiện nay, sản lượng nhãn tồn đọng còn khá nhiều.
Sản phẩm thủy sản, đặc biệt là con tôm, huyện có 20 thương lái thu mua khoảng 20 tấn/ngày, giá giảm mạnh so với trước. Thời gian tới, huyện cần tiêu thụ 200 tấn nhãn và một số mặt hàng khác như dưa hấu, dừa xiêm.

Sản lượng nhãn tồn đọng còn khá nhiều tại huyện Bình Đại.

Sản lượng nhãn tồn đọng còn khá nhiều tại huyện Bình Đại.

Đối với Chợ Lách, trong giai đoạn 2, huyện đã bắt đầu xuất hiện các ca F0, huyện chuyển trạng thái tổ chức mô hình đi chợ thay. Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Linh cho hay, đến nay, nhãn xuồng tiêu thụ 150 tấn, còn lại khoảng 200 tấn. Chôm chôm đã tiêu thụ được 40 tấn, với giá 6 ngàn đồng/kg đối với chôm chôm Java và chôm chôm Thái 17 ngàn đồng/kg.

Dự kiến trong 2 tuần tiếp theo, huyện Chợ Lách sẽ thu hoạch khoảng 150 tấn chôm chôm, khả năng tiêu thụ thời gian tới khá tốt. Đặc biệt, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất cây giống.

Còn theo Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương, trong 2 đợt giãn cách xã hội, huyện tổ chức mô hình xe bán hàng lưu động triển khai tại 10 xã. Ngoài ra, huyện có tổ chức 62 người đi chợ thay dân theo mô hình “Shipper xanh”. Ba Tri cũng đã vận động được nhiều tỷ đồng và phân bổ kịp thời hàng hóa, trang thiết bị y tế cho các đơn vị, hộ dân, khu vực cách ly.

Dự kiến trong 2 tuần tiếp theo, huyện Chợ Lách sẽ thu hoạch khoảng 150 tấn chôm chôm.

Dự kiến trong 2 tuần tiếp theo, huyện Chợ Lách sẽ thu hoạch khoảng 150 tấn chôm chôm.

Ông Lê Xuân Vinh Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua, huyện tổ chức đăng ký điểm bán hàng tại các địa phương. Đến thời điểm này, huyện có trên 1.600 điểm bán hàng. Việc cung ứng hàng hóa đảm bảo. Châu Thành đặc biệt quan tâm kiểm tra các điểm bán, các chợ. Kết quả, huyện đã phê bình 2 cán bộ xã và một số địa phương chậm triển khai văn bản của huyện.

Tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn Châu Thành trong đợt giãn cách thứ hai đã khả quan hơn, như: sầu riêng đã tiêu thụ hết, chôm chôm còn tồn đọng nhưng rất ít. Các doanh nghiệp chuỗi bưởi, dừa đã hoạt động trở lại và đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Huyện Giồng Trôm linh động tạo điều kiện lưu thông đảm bảo thông suốt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cho người dân. Qua kiểm tra, có 6 cửa hàng thuốc tây chưa thực hiện đúng quy định đã được xử lý.

Về tiêu thụ nông sản, huyện đã gắn kết nhóm Zalo theo dõi thị trường của tỉnh. “Đối với mặt hàng dừa khô, Công ty Betrimex tiêu thụ 1 phần sản lượng dừa, với khoảng 560 ngàn trái, còn tồn trên 4 triệu trái. Dừa uống nước, Công ty TNHH XNK Trái cây Mêkong tiêu thụ 1,29 triệu trái, còn tồn 89 ngàn trái…”, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết.

Ngoài ra, Giồng Trôm có 11 tấn chanh chuẩn bị vào vụ thu hoạch; trên 150 tấn gia súc, gia cầm. Hiện tại, huyện đã thu hoạch một số diện tích lúa và đang tiếp tục thu hoạch trong đợt giãn cách tiếp theo.

Trình bày giải pháp trong 14 ngày tiếp theo, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, mục tiêu cao nhất là khống chế được dịch bệnh nhưng cũng phải đảm bảo việc cung ứng hàng hóa. Theo phản ánh các địa phương, trong 14 ngày của đợt giãn cách thứ ba, việc cung ứng hàng hóa đảm bảo. Một số mặt hàng như lúa vào vụ thu hoạch; thịt heo, bò, gia súc, gia cầm khả năng cung ứng và tiêu thụ tại tỉnh đảm bảo.

Theo Sở Công Thương, về kết nối tiêu thụ hàng hóa, sản lượng ước từ ngày 15 đến 30/8 khá dồi dào cần hỗ trợ tiêu thụ. Cụ thể, các loại trái cây 4.198 tấn, dưa hấu 1.300 tấn, vịt 15 tấn; 2 triệu trứng gà, vịt, tôm nước lợ 2.380 tấn; tôm càng xanh 35 tấn; sò huyết 310 tấn. Ngoài ra, sản lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ như củ cải trắng, đậu phộng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đánh giá, kết quả qua 2 đợt giãn cách xã hội là cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thời gian tới, các địa phương cần đặc biệt quan tâm kiểm tra việc thực hiện quy định “5K”, “3 tại chỗ” tại các cơ sở, doanh nghiệp, các chợ, tiểu thương. Đẩy nhanh việc phân phối hàng viện trợ; thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 25 của UBND tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương quan tâm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn trong thời gian cách ly đảm bảo đời sống. Tiếp tục duy trì các mô hình đi chợ thay có hiệu quả trong 2 đợt vừa qua, hạn chế tình trạng người dân đi chợ tập trung đông người. Địa phương nào có điều kiện thì tổ chức xe bán hàng lưu động.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm