Hỗ trợ doanh nghiệp

Bị người dân cản trở thi công, chủ đầu tư dự án điện gió liên tục "kêu cứu"

DNVN - Thời gian gần đây, một số người dân cản trở, chống đối, đòi hỏi quá mức xảy ra tại các dự án điện gió ở Bến Tre, Sóc Trăng. Sắp tới, nếu việc hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng công an không quyết liệt, các dự án điện gió khó có thể triển khai sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào địa phương.

Vĩnh Long: 4 cán bộ nhà đất bị "tố" làm giấy tờ giả khiến hai cụ già bị mất 1.600m đất / Vĩnh Long (bài 2): Dự án được Nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, có dấu hiệu việc chính quyền bao che cho vi phạm pháp luật

Chủ đầu tư liên tục cầu cứu

Liên tục những ngày gần đây, Doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn cầu cứu từ Công ty cổ phần Năng lượng Ecowin - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Ông Lê Thiên Thịnh, đại diện chủ đầu tư trình bày: "Dự án nhà máy điện gió Thanh Phong có công suất 29,7MW, bao gồm 9 trụ tuabin. Toàn bộ dự án có diện tích thu hồi là 6ha, chúng tôi đã hoàn tất việc bồi thường hỗ trợ theo quy định".

Người dân tập trung gây cản trở thi công tại trụ tuabin số 2.

Người dân tập trung gây cản trở thi công tại trụ tuabin số 2.

Hiện đơn vị đang thi công trụ tuabin số 2, trước khi thi công đã phối hợp với UBND xã Thạnh Hải, tổ vận động đi trao phương án hỗ trợ ảnh hưởng trong quá trình thi công và vận động, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho bà con với mong muốn không bị gây cản trở quá trình thi công. Trong quá trình nhà thầu của công ty đang tiến hành triển khai lắp dựng trụ tuabin số 2, thực hiện việc lắp đặt cánh và thân tuabin thì 6 hộ dân quanh khu vực đã ra ngăn cản không cho thi công. Trên thực tế, theo văn bản của Sở Công Thương thì quá trình lắp đặt và vận hành, hoạt động tuabin sẽ không gây thiệt hại đối với hoa màu, nguồn nước, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo ông Thịnh: “Sự việc người dân liên tục đứng ra ngăn cản không cho nhà thầu của chúng tôi thi công không những ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án, mà còn gây mất mát hàng chục tỷ đồng và ảnh hưởng đến sự đóng góp của dự án cho ngân sách tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nhận nguồn tiền đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam. Việc dự án chậm tiến độ đã khiến công ty chúng tôi đứng trên bờ vực phá sản”.

Ngoài ra, ông Thịnh còn cho rằng, hành vi cản trở này khiến đơn vị thi công không thể hoàn thành dự án. Nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm các hành vi trên, sự việc sẽ diễn ra liên tục ảnh hưởng to lớn đến trật tự xã hội. Ông Thịnh khẩn thiết yêu cầu chính quyền xem xét hỗ trợ để công trình tiếp tục thi công và có biện pháp xử lý theo quy định.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng kiện bà Phan Thị Ngọc Giàu (ngụ ấp Thạnh Thới B) ra TAND huyện Thạnh Phú yêu cầu bồi thường 5,9 tỷ đồng và tố cáo ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ cùng địa phương) đến cơ quan công an vì có hành vi cản trở thi công tại trụ số 3 và số 5 của dự án.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, theo thông tin từ ông Lý Quốc Hùng (đại diện tổng thầu thi công dự án Nhà máy Điện gió Hòa Đông 2 (thị xã Vĩnh Châu). Những ngày qua, anh em công nhân tại công trình luôn làm việc trong thế rất hoang mang, lo sợ. Bất cứ lúc nào cũng hứng chịu áp lực, chống đối, thậm chí là hành hung vô cớ từ một số nhóm người. Hàng loạt các đòi hỏi, yêu sách vô lý được các đối tượng cầm đầu, dẫn dắt, kích động người dân để gây áp lực. Với tình hình trên, nếu không được xử lý dứt điểm sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án.

Xử lý nghiêm hành vi cản trở thi công

Theo báo cáo của UBND huyện Thạnh Phú, vào lúc 8h ngày 15/7/2021, thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ thi công trụ tuabin số 3 của dự án, sau khi lực lượng bảo vệ triển khai kế hoạch thì có khoảng 50 dân, đa số là phụ nữ (trong đó có 2 phụ nữ mang thai) ra cản trở không cho thi công, giật ống nước với lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp. Trong quá trình xô xát giữa người dân và lực lượng bảo vệ, có 1 người dân bị đánh gây thương tích nhẹ vùng mặt.

Liên quan vụ việc này, ngày 22/11/2021, Toà án nhân dân huyện Thạnh Phú có thông báo cho bà Phan Thị Ngọc Giàu (ngụ ấp Thạnh Thới B) đến tham gia giải quyết vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Theo thông báo, bà Giàu đã bị Công ty cổ phần năng lượng Ecowin khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Giàu: “Chấm dứt hành vi vi phạm, hành vi cản trở thi công, xây dựng (do bà Giàu thực hiện hoặc/và lôi kéo người khác thực hiện) tại dự án”. Đồng thời, bồi thường thiệt cho Công ty Ecowin số tiền hơn 5,9 tỷ đồng do dự án tạm ngừng thi công. Còn ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ địa phương) bị chủ đầu tư gửi đơn tố cáo đến các cơ quan về hành vi gây rối trật tự công cộng, cản trở thi công gây đình trệ tiến độ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

Ngày 17/12, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 10 đối tượng và cấm đi khỏi nơi cư trú 5 đối tượng để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trước đó, vào sáng ngày 30/10, khi lực lượng thi công công trình tiến hành triển khai đặt cống tạm B3 trên kênh Cây Me (thuộc ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải) thì các đối tượng: Trần Tốn, Ngô Tồng Phi, Ngô Tòng Tuối, Trương Văn Mó, Trần Thị Phương, Trần Kỷ, Lý Oảng, Lý Quốc Khải, Lý Xài Pó, Quách Hon, Trương Thị Nhanh (cùng ngụ xã Vĩnh Hải) và Ngô Tòng Luôl, Ngô Học Kiều, Quách Văn Nhỏ, Ngô Học Trung (ngụ xã Lạc Hòa) cùng một số đối tượng khác đến ngăn cản, chửi bới, hành hung không cho đơn vị tiến hành thi công.

Dù được lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích yêu cầu giải tán nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục có những hành động chống đối. Khi lực lượng chức năng đi qua cầu kênh Cây Me để triển khai phương án bảo vệ, các đối tượng ngăn cản, không cho đi qua, dùng tay và cây đánh liên tiếp vào người cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an.

Riêng các đối tượng còn lại sử dụng ống tuýp sắt, cừ tràm và đá ném vào lực lượng chức năng. Ngoài ra các đối tượng còn mang 2 bình gas (loại 12kg) đặt tại cống, dọa sẽ cho nổ và đưa đường dây điện xuống kênh để ngăn cản thi công. Vụ việc đã làm cho 13 cán bộ chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu bị thương, trong đó có 2 đồng chí bị thương nặng, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Tại công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết về pháp luật và có những yêu cầu đền bù không hợp lý dẫn đến vi phạm pháp luật.

Đối với một số trường hợp người dân không liên quan đến việc bồi thường thiệt hại nhưng vẫn đến để cản trở huyện đã có nắm và cũng đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp lực lượng dân phòng và UBND xã rà soát lại những trường hợp này.

Một số trường hợp người dân không liên quan đến việc bồi thường thiệt hại nhưng vẫn đến để cản trở.

Về vấn đề liên quan đến việc cản trở thi công tại Dự án điện gió Thanh Phong, ông Mai Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết: Quan điểm của địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con để làm sao đảm bảo cho dự án tiếp tục thi công đúng tiến độ. Sau đó, nếu còn những trường hợp không thỏa thuận được sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Đối với một số trường hợp người dân không liên quan đến việc bồi thường thiệt hại nhưng vẫn đến để cản trở huyện đã có nắm và cũng đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp lực lượng dân phòng và UBND xã rà soát lại những trường hợp này.

Theo thông tin nắm được từ phía công trường thì những người cản trở chỉ có 3, 4 hộ dân là bị ảnh hưởng trực tiếp về vấn đề trên nhưng đã được giải quyết xong, còn đa phần những hộ dân còn lại khoảng cách từ nhà của họ đến công trường rất xa nên về thiệt hại gần như là không, họ có những yêu cầu gần như không hợp lý.

Còn theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đang khẩn trương, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn. Quan điểm của tỉnh là “đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm, quyết liệt, dứt điểm với hành vi cản trở thi công theo quy định của pháp luật”.

Điện gió phát triển kinh tế địa phương

Ông Mai Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Thạnh Phú cho biết về hiệu quả hệ thống điện gió mang lại: Trước khi chưa có hệ thống điện gió được đầu tư trên địa bàn huyện Thạnh Phú thì hạ tầng của huyện rất khó khăn đặc biệt là giao thông vận chuyển của bà con và việc phát triển kinh tế của khu vực chưa được phát triển. Từ khi dự án điện gió triển khai thực hiện đến nay mang lại nhiều hiệu quả, thứ nhất là tạo giao thông thuận lợi cho bà con trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Về sản xuất giao thương của người dân làm tăng giá cả sản phẩm. Đồng thời, trên cơ sở dự án điện gió trong tương lai tới đây phát triển kinh tế cho huyện rất lớn, góp phần tăng thu cho ngân sách và tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển về mọi mặt của địa phương. Bên cạnh đó, góp phần phát triển du lịch. Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng chủ trương và bà con đã nhận bồi thường và giao đất đảm bảo đúng yêu cầu và quy định.

Về quá trình triển khai thi công, bà con có yêu cầu hỗ trợ thêm trong quá trình thiệt hại, tuy nhiên, những yêu cầu của bà con thì địa phương cũng đã xem xét và qua thực tế của địa phương nhận thấy không ảnh hưởng gì lớn tới sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về góc độ chính quyền địa phương: “Chúng tôi cũng đang xem xét và tiếp tục vận động bà con bình tĩnh, cố gắng nếu có vấn đề gì cảm thấy chưa thỏa đáng thì kiến nghị tiếp tục và chính quyền địa phương cấp huyện và cấp tỉnh sẽ xem xét, giải quyết. Nếu bà con cản trở như vậy sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án điện gió, bởi nếu như dự án điện gió được hoàn thành sớm thì sẽ góp phần tác động phát triển kinh tế và đời sống cho bà con địa phương”. Ông Hùng nêu quan điểm.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm