Biến thách thức thành cơ hội để ngành cà phê bứt phá
Simexco DakLak mang cà phê đặc sản Tây Nguyên chinh phục Cafe Show Vietnam 2023 / Gần 50 doanh nghiệp tham gia cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” 2023
Xu hướng tất yếu
Ngày 16/5/2023, Uỷ ban châu Âu (EC) đã thông qua Dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng (Dự luật EUDR). Theo đó, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm: chăn nuôi gia súc, các sản phẩm ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ... Luật này dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024 đối với nhà vận hành xuất, nhập khẩu; từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Niềm vui được mùa cà phê.
EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sôcôla, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ.
Để đưa được hàng hóa lên kệ hàng tại châu Âu, các đơn vị cung ứng phải thực hiện 3 nội dung trách nhiệm giải trình, gồm: Thu thập thông tin (loại sản phẩm, số lượng, vị trí địa lý, tính hợp pháp và tình trạng phá rừng, mất rừng, suy thoái rừng); Đánh giá rủi ro bao gồm: sự hiện diện của rừng, sự hiện diện của người bản địa; tham vấn và hợp tác với người dân bản địa; sự tồn tại của các yêu sách đất đai theo phong tục; tỷ lệ phá rừng và sự phức tạp của chuỗi cung ứng; Giảm thiểu rủi ro (có thể yêu cầu hỗ trợ cho các hộ sản xuất nhỏ để tuân thủ quy định).
Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. Nếu một doanh nghiệp bị phát hiện không tuân thủ, các sản phẩm có thể bị tịch thu, công ty có thể bị từ chối tiếp cận thị trường tạm thời và/hoặc phạt tiền ít nhất 4% tổng doanh thu hàng năm của công ty trên toàn EU.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, EUDR là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững. Đây là biến chuyển xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng EU.
“Trong bối cảnh EC đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), chúng ta cần thực hiện ngay các hoạt động để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng chủ lực sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Khung hành động thích ứng
Ngày 1/8, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Theo đó, đề nghị giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là cà phê; tăng cường tuần tra, giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
Nâng niu những hạt cà phê đặc sản kết tinh kỳ diệu từ đất lành.
Giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế (trong đó có phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Tổ chức 4C…): xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; rà soát và thống nhất bản đồ thực địa; chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ địa chính.
Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp, từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững…
Xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện việc chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào EU, theo yêu cầu của EC. Xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng.
Đồng thời, triển khai nhân rộng cách tiếp cận cảnh quan phục vụ canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội; áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng cà phê, cao su, gỗ. Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị thành lập hoặc kiện toàn nhóm công tác công tư cấp tỉnh; triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; phối hợp với nhóm công tác chung và nhóm công tác các ngành hàng ở trung ương; xây dựng các chương trình, dự án để kêu gọi đầu tư công, tư và tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện. Bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ thích ứng với EUDR.
Không bị động
Đắk Lắk hiện là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam với 213.336ha, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh.
Chất lượng cà phê Việt Nam ngày càng được thế giới đánh giá cao.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, để đáp ứng các yêu cầu theo xu thế phát triển của toàn cầu, từ năm 2002, tỉnh đã thực hiện các chương trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (4C, UTZ, RFA, FLO) và gần đây là cà phê hữu cơ. Việc triển khai các chương trình, đề án để phát triển cà phê bền vững đã góp phần quan trọng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của những quốc gia nhập khẩu.
Đặc biệt, Đắk Lắk có 12 đơn vị được chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê nhân (tổng diện tích 20.326ha, sản lượng đăng ký 39.890 tấn/năm) và 7 đơn vị được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê rang xay (193 tấn cà phê hạt rang, 125 tấn cà phê bột, 2.000 tấn cà phê hòa tan nguyên chất). Đây cũng là chỉ dẫn địa lý cà phê đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Về cơ bản, EUDR không tác động nhiều đến cà phê của Đắk Lắk, bởi EU lấy mốc thời gian từ năm 2020 trở lại đây. Trong khi cà phê của Đắk Lắk đã phát triển ổn định từ mấy chục năm nay. Đồng thời, EUDR cũng phù hợp với các chính sách bảo vệ rừng và phát triển cà phê của Việt Nam”, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết.
Để chủ động thích ứng với EUDR, Đắk Lắk sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sản xuất, chuẩn bị các chứng nhận cho những vùng đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu mới của EU, để khi EUDR có hiệu lực thì Đắk Lắk đã sẵn sàng về mặt thủ tục cho các sản phẩm xuất khẩu.
Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích cà phê (sau Đắk Lắk), với khoảng hơn 176.000 ha, chiếm 58,7% diện tích canh tác. Sản lượng đạt khoảng hơn 563.000 tấn, năng suất bình quân 33,7 tạ/ha. Sản phẩm cà phê nằm trong nhóm 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh bao gồm: cà phê, hoa, rau - củ - quả, chè, và hạt điều.
Giá trị ngành hàng cà phê chiếm 60% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Sản lượng cà phê xuất khẩu sang các nước châu Âu (chủ yếu là Thuỵ Sỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức) chiếm 70% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh (châu Á 25%, châu Úc 3% và châu Phi 2%).
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, sau khi nghiên cứu nội dung và tiến trình chung triển khai Dự luật EUDR, ngành nông nghiệp tỉnh xác định có 4 vấn đề cơ bản thách thức cần triển khai trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của Dự luật.
Thứ nhất là thời gian: chỉ còn hơn 1 năm để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng các yêu cầu liên quan về hàng hóa không gây mất rừng, trong đó có cà phê nhập vào thị trường EU. Thứ hai là cần có sự chuẩn bị dữ liệu số về điểm định vị (GPS point) và ranh giới lô đất canh tác (polygon).
Thứ ba là việc gắn dữ liệu số thu thập nêu trên vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm với các thông tin liên quan đã được số hóa. Thứ tư là thiết lập hệ thống giám sát, phản hồi việc chống phá rừng với nông sản cà phê canh tác và sản xuất thương mại bền vững kết nối 3 vấn đề đã nêu trên.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, để chủ động trong tiến trình triển khai Dự luật EUDR, địa phương rất cần các tài liệu quy định chính thống do EU cập nhật hoàn thiện được Bộ NN&PTNT cung cấp, chia sẻ để tuyên truyền và truyền thông đến các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đối tượng liên quan nắm bắt thông tin.
Đối với việc xác định dữ liệu về điểm định vị (GPS point) và ranh giới lô đất canh tác (polygon). Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm xây dựng các bản đồ số vùng trồng nông sản giáp với rừng tại các dự án quản lý cảnh quan bền vững được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, để triển khai theo hướng giảm thiểu tác nghiệp và khối lượng công việc thu thập. Đối với việc truy xuất nguồn gốc canh tác cây cà phê, tập trung sử dụng các ứng dụng số trong thực hiện chuyển đổi số số để truy xuất các thông tin.
Đối với hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng trên diện tích canh tác cà phê cần tích hợp vào hệ thống quản lý số giám sát theo dõi biến động tài nguyên rừng hàng năm; hệ thống giám sát theo dõi biến động sử dụng đất hàng năm.
Tuy nhiên, để được đồng bộ các thông tin và được EU chấp thuận, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm của Bộ NN&PTNT, EC và các tổ chức quốc tế như SNV, IDH hợp tác hỗ trợ để thực hiện. Trong đó, vấn đề đặc biệt lưu tâm là sự hỗ trợ cung cấp nguồn ảnh viễn thám chất lượng cao hàng năm phục vụ hoạt động giám sát, phản hồi thông tin.
Nhờ xây dựng và phát triển chuỗi cà phê bền vững, cà phê của Simexco Daklak thích ứng với các quy định của Dự luật EUDR.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng, không nên xem quy định mới của EU là rào cản kỹ thuật gây khó đối với ngành cà phê Việt Nam, mà đây là trách nhiệm chung của toàn cầu để bảo vệ môi trường.
“Ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung không lo ngại về câu chuyện cà phê gây mất rừng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải chứng minh được bằng văn bản và hình ảnh sản phẩm cà phê của chúng ta không phải từ phá rừng”, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nêu điểm mấu chốt.
Từ đó, ông Trịnh Đức Minh khuyến nghị, để chủ động trong việc đáp ứng các quy định mới của EU thì ngành nông nghiệp và chính quyền ở các vùng nguyên liệu (cấp huyện) phải phổ biến rộng rãi, rõ ràng các quy định này, không chỉ riêng cho cây cà phê mà tất cả những sản phẩm nông nghiệp có liên quan. Những quy định này sẽ giúp người sản xuất chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sản xuất theo hướng bền vững gắn với hệ sinh thái trên vườn cây.
“Cơ hội vàng” cho ngành cà phê Việt Nam
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cà phê Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu hơn 120.000 tấn cà phê nhân với tổng kim ngạch lên đến 6.500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), cho biết, EUDR hầu như không ảnh hưởng việc xuất khẩu cà phê của công ty.
Ông Dũng lý giải, để có chuỗi cung ứng nguyên liệu ổn định, công ty đã liên kết với nông dân trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, xây dựng và phát triển chuỗi cà phê bền vững (sản xuất kết hợp bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội), được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các quy định của Dự luật EUDR.
Chủ động thích ứng với Dự luật EUDR là “cơ hội vàng” để cà phê Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cũng theo ông Dũng, Simexco quản lý hơn 40.000 nông hộ. Khi có bản đồ phân loại đâu cấp độ rủi ro của vùng trồng từ phía EU, công ty sẽ phân loại từng nông hộ theo các cấp độ rủi ro khác nhau, để truy xuất được nguồn gốc lô hàng từ vùng đó. Hiện công ty đã phối hợp với IDH để làm mô hình thử nghiệm truy xuất nguồn gốc của các xã, vườn. Tuy nhiên, chi phí khá cao và đang chờ phía EU chốt rằng phương án của công ty có được chấp thuận hay không.
“Khi ngành hàng bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải thích ứng, các doanh nghiệp phải lựa chọn: chuyển đổi hoặc là bị đào thải. Hy vọng sau giai đoạn thử thách này hiệu suất của ngành hàng sẽ tốt hơn và đây là cơ hội để ngành cà phê chuyển đổi số phát triển bền vững”, Giám đốc phát triển nông nghiệp bền vững - Simexco DakLak, chia sẻ.
Là vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, người dân và doanh nghiệp cà phê tại huyện Lạc Dương cho rằng, khi Dự luật EUDR đi vào thực thi sẽ gây ra một số khó khăn, thách thức, nhất là với các hộ trồng cà phê nhỏ lẻ có các sản phẩm bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, kỳ vọng với quy định mới của châu Âu, người dân sẽ thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất bền vững, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận… Ngành cà phê Lâm Đồng nói riêng và trong nước nói chung có cơ hội cải thiện quản trị, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, mở ra triển vọng thị trường mới.
Ông Bạch Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác ở châu Á và Nam Mỹ là diện tích cà phê phát triển từ nhiều năm trước, vườn cây mới trong những năm gần đây không nhiều, nên việc đáp ứng yêu cầu của EU là không khó.
“Dự luật EUDR là thách thức nhưng cũng là "cơ hội vàng" để chúng ta chứng minh cho thế giới thấy rằng cà phê Việt Nam chất lượng tốt, được sản xuất trên nền tảng hệ sinh thái bền vững và không có vấn đề về xã hội. Để làm tốt điều này, cần có chiến dịch tuyên truyền từ cấp độ quốc gia đến ngành hàng, doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hy vọng, với sự vào cuộc một cách chủ động và triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động để thích ứng Dự luật EUDR của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân, ngành cà phê và những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ biến thách thức thành cơ hội, để khẳng định thương hiệu, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường sang các nước EU nói riêng và toàn cầu nói chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo