Hỗ trợ doanh nghiệp

Bình Định: 'Xanh hoá' các khu, cụm công nghiệp để phát triển bền vững

DNVN – Làm việc với chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu phải xây dựng theo hướng sinh thái, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường và xem đây là "kim chỉ nam" để phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Bình Định hội đủ tiềm năng, lợi thế nổi trội và khác biệt / Bình Định làm gì để trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư?

Hấp lực thu hút đầu tư

Ngày 11/4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến nghe báo cáo tình hình hoạt động, triển khai thực hiện các chỉ tiêu đầu tư, phát triển của các Khu công nghiệp (KCN) và một số Cụm công nghiệp (CCN) trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh Bình Định cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích khoảng 6.714 ha. Hiện đã có 9 KCN được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Nhơn Hội A, Nhơn Hội B, Nhơn Hội C, Becamex VSIP và Phù Mỹ.

Quý I/2025, các KCN đã thu hút được 13 dự án (đạt tỷ lệ 28,9% so với tổng chỉ tiêu được giao là 45 dự án), sản xuất công nghiệp với tổng mức đầu tư 5.378 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 23,9% so với tổng tiêu được giao tối thiểu 22.500 tỷ đồng), diện tích 40,42ha. Bên cạnh đó, cũng đã cấp mới dự án hạ tầng KCN Phù Mỹ giai đoạn 1 với vốn đầu tư 4.569 tỷ đồng, diện tích 436ha.

Trong khi đó, theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, theo phương án phát triển CCN, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470ha, bình quân 51 ha/CCN.

Đến nay, có 46 CCN với tổng diện tích 1.639ha được quyết định thành lập; 45 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với diện tích đất công nghiệp 1.127,9ha; trong đó, hoàn thành mở rộng CCN thị trấn Vân Canh từ 37ha lên 75ha.

Hiện nay, có 40/46 CCN đã và đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (trong đó, có 16/46 CCN đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng); có 38/46 CCN đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.

Trong quý I/2025, đã thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư 2 CCN (CCN Cát Hiệp và CCN thị trấn Vân Canh) với tổng diện tích 125ha, tổng vốn đầu tư hơn 678 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút 10 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 246 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 15ha.

Lũy kế đến nay, đã thu hút 400 dự án với diện tích 787,5ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các CCN 82,9% với tổng vốn đầu tư của các dự án hơn 19.706 tỷ đồng, vốn thực hiện hơn 10.813 tỷ đồng. Trong đó, có 282 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 552ha, tổng vốn đầu tư 14.650 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu và doanh nghiệp đánh giá vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu đầu tư, phát triển KCN, CCN như: một số KCN, CCN chưa tuân thủ thực hiện các chỉ tiêu được UBND tỉnh giao (chỉ tiêu về đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; chỉ tiêu về thu hút đầu tư; tiêu chí về môi trường; tiêu chí về giá thuê đất gắn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các loại phí; tiêu chí về quản lý trong KCN), hoặc thực hiện còn thấp.

Ông Nguyễn Văn Lăng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Becamex Bình Định, chủ đầu tư Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, kiến nghị

Ông Nguyễn Văn Lăng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Becamex Bình Định - chủ đầu tư KCN, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, nêu kiến nghị.

Lực lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư khi có dự án đi vào hoạt động. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và việc thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thứ cấp. Tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật chậm, thiếu đồng bộ, việc khắc phục các hư hỏng của hạ tầng không kịp thời làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp...

“Xanh hoá” khu, cụm công nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN cần quyết tâm hơn, chủ động hơn, tạo sự đột phá nhằm biến sự phát triển các KCN, CCN thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đồng thời đề nghị các địa phương, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ hạ tầng tại các KCN, CCN bảo đảm tiến độ và chỉ tiêu đã đề ra, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Bình Định yêu cầu phải "xanh hoá" các khu, cụm công nghiệp để phát triển bền vững.

Bình Định yêu cầu phải "xanh hoá" các khu, cụm công nghiệp để phát triển bền vững.

Rà soát năng lực thực hiện dự án của các chủ đầu tư; tổ chức làm việc với các chủ đầu tư, trong đó tập trung đối với các chủ đầu tư không bảo đảm năng lực, triển khai dự án chậm tiến độ, đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt dự án nếu chủ đầu tư không chủ động, tích cực trong việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện không hoàn thành nhiều chỉ tiêu đã được giao.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào các KCN, CCN, đặc biệt chú trọng vào các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh phải chuyển sang KCN, CCN sinh thái. Đối với KCN, CCN mới phải xây dựng theo tiêu chí sinh thái theo quy định; đối với KCN, CCN cũ phải thực hiện chuyển đổi dần sang sinh thái.

“Ngành chức năng và các chủ đầu tư KCN, CCN trên địa bàn tỉnh phải quán triệt nội dung, tinh thần chỉ đạo này để triển khai xây dựng KCN, CCN theo hướng sinh thái, bảo đảm xu hướng cộng sinh công nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phải xem đây là "kim chỉ nam" để phát triển bền vững”, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu.


Minh Thảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm