Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần chính sách đủ mạnh với ngành công nghiệp hỗ trợ để đón “đại bàng”

DNVN - Để đón dòng dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có chính sách đủ mạnh với ngành công nghiệp hỗ trợ, trợ lực nhiều hơn nữa để doanh nghiệp có thể thích ứng được với sự dịch chuyển này.

Lỗ hổng nào khiến doanh nghiệp xuất khẩu có thâm niên vẫn bị đối tác nước ngoài lừa đảo? / Doanh nghiệp cần bệ đỡ chính sách để yên tâm đầu tư ra nước ngoài

Cơ hội lớn

Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành địa điểm hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tiêu dùng tiềm năng, môi trường kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, là thành viên của 17 FTA cả song phương và đa phương.

Những yếu tố thuận lợi này giúp Việt Nam đón được các dòng dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng này đến nay là rất tiềm năng.

Trên thực tế, đa số DN Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều này cho thấy mức độ mở cửa sâu rộng kinh tế quốc tế của Việt Nam tạo điều kiện rất lớn cho DN Việt Nam vươn ra bên ngoài, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Trong giai đoạn hiện nay, các DN trong nước tham gia với cả hai vai trò, vừa là người mua, vừa là người bán, vừa là người cung cấp hàng, vừa là người sử dụng hàng hoá.

Với làn sóng đầu tư FDI mạnh mẽ vào Việt Nam thời gian qua cũng như sắp tới, cơ hội để các DN Việt cung cấp các linh kiện, tham gia sâu hơn vào nhiều công đoạn của chuỗi cung ứng của các DN đầu chuỗi, các DN FDI rất lớn.

Mới chỉ dừng lại ở khâu trung gian

Tuy nhiên, theo ông Hoàn, việc tham gia của các DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng và ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng cũng như vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, khi tham gia vào chuỗi cung ứng, chúng ta mới chỉ tham gia ở khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp, sử dụng phần lớn là lắp ráp trong phần đáy của chuỗi sản xuất.

Những khâu khác, chẳng hạn như khâu thượng nguồn về thiết kế, phân phối hầu hết do DN nước ngoài đảm nhận. Khâu hạ nguồn như cung cấp nguyên vật liệu chính cho sản xuất, cho ngành chế biến chế tạo, dệt may và da giày thì Việt Nam chưa tham gia được nhiều, nên phải nhập khẩu.


Khi tham gia vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp trong nước mới chỉ tham gia ở khâu trung gian, giá trị gia tăng thấp.

Thứ hai, với chi phí nhân công ngày càng gia tăng nên lợi thế của Việt Nam dần mất đi tính cạnh tranh.

Thứ ba, ngành CNHT thời gian qua đã được Chính phủ và các địa phương quan tâm với một số cơ chế chính sách để phát triển ngành này. Và trên thực tế ngành đã có những phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, chưa có bộ công cụ chính sách đủ mạnh để thúc đẩy ngành phát triển cao hơn nữa.Bên cạnh đó, những DN tham gia ngành CNHT gặp một số khó khăn về hỗ trợ tài chính, tiếp cận vốn để phục vụ cho sản xuất.

Xây dựng bộ luật về phát triển công nghiệp trọng điểm

Để đón được làn sóng FDI, theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, một trong những điều mà DN FDI, DN Việt Nam quan tâm rất nhiều là khả năng cung ứng của các DN CNHT trong nước đối với những bộ phận sản xuất linh kiện phục vụ cho lắp ráp, hoàn chỉnh sản phẩm của họ. Ngành công nghiệp chỉ phát triển được khi có một ngành CNHT đủ mạnh.

Trong thời gian dài vừa qua, dù ngành CN rất được quan tâm nhưng chưa có một bộ luật nào thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước đúng nghĩa.

“Việc xây dựng bộ luật về phát triển công nghiệp trọng điểm có thể nói sẽ là khung pháp lý cao nhất để tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, luyện kim, công nghiệp công nghệ cao.

Một trong những nhiệm vụ của Cục là tham mưu về việc hoàn thiện khung chính sách, trước mắt tập trung giúp việc cho Bộ trưởng trong việc xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm”, ông Hoàn nhìn nhận.

Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hoàn thiện Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 111 về CNHT. Theo đó, tạo điều kiện hơn nữa cho các DN CNHT được hưởng các ưu đãi để có thể nâng cao năng lực, gia tăng khả năng cạnh tranh trước các đối thủ ở nước ngoài.

Về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong nước, một trong những điều các DN FDI rất quan tâm là liệu DN trong nước có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi của họ hay không.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước cực kỳ quan trọng. Thời gian tới, một mặt, Cục Công nghiệp sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là với các DN đầu chuỗi, DN FDI trong việc nâng cấp các DN CNHT của Việt Nam.

Đồng thời, tập trung vào mô hình tiếp tục cải tiến cho DN, nâng cao với đội ngũ tư vấn viên đào tạo sẵn có thông qua chương trình hợp tác với nước ngoài, tiến hành cải tiến trực tiếp cho các DN trong nước.

“Việc kết nối, tăng cường công tác kết nối giữa các DN CNHT trong nước với các DN FDI, và thậm chí tạo thành sân chơi chung để cho các DN có thể trực tiếp và tư vấn, kết nối với nhau là điều thực sự cần thiết”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm