Hỗ trợ doanh nghiệp

Lỗ hổng nào khiến doanh nghiệp xuất khẩu có thâm niên vẫn bị đối tác nước ngoài lừa đảo?

DNVN - Với những vụ lừa đảo mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải trong 2 năm gần đây, dư luận đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp Việt, thậm chí có những doanh nghiệp đã có nhiều năm thâm niên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu vẫn mắc sai lầm trong giao dịch quốc tế, dẫn đến nguy cơ bị mất hàng và chịu nhiều thiệt hại?

Đổi mới hoạt động xúc tiến, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư / Vì sao các vụ kiện của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên?

Nhiều rủi ro

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 18 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng xuất khẩu. Dù vậy, bên cạnh những cơ hội hấp dẫn, doanh nghiệp (DN) Việt cũng phải đối mặt với không ít rủi ro khi tham gia giao dịch với đối tác nước ngoài.

Kết quả khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho thấy, mỗi năm, 52% DN Việt Nam từng bị lừa đảo quốc tế trong hai năm trước thời điểm khảo sát, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Trong khi đó, các DN Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Cũng không nhiều DN Việt Nam muốn báo cáo cơ quan quản lý vì lo ngại thông tin bị lộ lọt ra công chúng.


Bên cạnh những cơ hội hấp dẫn từ việc tham gia các FTA, DN phải đối mặt với không ít rủi ro khi tham gia giao dịch với đối tác nước ngoài.

Theo kết quả khảo sát giai đoạn trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với các DN Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như Hà Lan, Mỹ, Italia, Canada, UAE.

Trong vòng 2 năm gần đây, việc DN Việt Nam bị đối tác nước ngoài lừa đảo, đứng trước nguy cơ mất trắng lô hàng xuất khẩu liên tiếp xảy ra với những phương thức, thủ đoạn liên tục thay đổi khiến DN không khỏi bất an.

Điển hình là vụ lừa đảo 100 container hạt điều với giá trị hơn 20 triệu USD xảy ra năm 2022. Với nhiều hình thức lừa đảo tinh vi và khó lường, các bộ, ngành, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cùng các hiệp hội DN đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến nghị với DN xuất khẩu về việc tìm hiểu kỹ khách hàng, cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa với giá thấp.

Điển hình là vụ lừa đảo 100 container hạt điều với giá trị hơn 20 triệu USD xảy ra năm 2022.

Đến tháng 7/2023, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, trong tháng 6, 4 DN Việt Nam đã giao 5 container hàng cho một công ty tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Tính đến thời điểm hiện tại, 4 lô hàng gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế và 1 container điều với tổng giá trị khoảng 400 ngàn USD đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán. Trong khi đó, bộ chứng từ của 1 lô hàng hoa hồi trị giá 126,3 ngàn USD cũng đã bị mất.

Với 4 lô hàng bị mất, VPA cho biết, các DN ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P. DN mất mát tổn thất quá lớn trước cùng một đối tượng mua hàng, cùng một ngân hàng, cùng một hình thức lừa đảo có âm mưu, có tổ chức, khả năng có thể có sự cấu kết với ngân hàng, nhân viên ngân hàng.

Lỗ hổng nằm ở đâu?

Đại diện một thành viên hiệp hội ngành hàng cho hay, vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán. Các DN đã dùng phương thức thanh toán D/P, tức là trả tiền để được nhận chứng từ, đang được áp dụng hầu hết tại UAE. Trong khi đó, phương thức L/C (tín dụng chứng từ) ít được dùng dù hình thức này an toàn hơn.

Tuy nhiên, thanh toán D/P vẫn an toàn nếu như ngân hàng bên mua thực hiện đúng quy định quốc tế. Đó là, chỉ khi người mua nộp tiền cho ngân hàng nhờ thu hộ để trả cho người bán, ngân hàng mới giao bộ chứng từ để người mua đi nhận hàng. Ở trường hợp này, bộ chứng từ của lô hàng đã giao cho ngân hàng nhưng người bán không nhận được tiền mà hàng đã bị lấy. Lỗi thuộc về ngân hàng bên mua.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, khi chuyển phát hồ sơ thanh toán đến tay ngân hàng của người mua thì có một khe hở, đó là giao hồ sơ đó cho những đối tượng có thể không tin cậy. Điểm này có thể gây ra tình trạng thất lạc, thậm chí làm cho bộ chứng từ rơi vào tay kẻ xấu và qua đó kẻ xấu lợi dụng để lấy hàng mà không thanh toán.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, hầu như các DN xuất khẩu đều có thâm niên nhiều năm trong nghề, đã giao dịch rất nhiều lô hàng và hầu hết đều an toàn. Do đó, những sự cố xảy ra thời gian qua là điều không ai ngờ tới.


Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam.

Lâu nay, các ngân hàng, chuyên gia, cơ quan quản lý đều khuyến cáo DN nên sử dụng phương thức thanh toán L/C để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, việc này chỉ là lý thuyết.

"Trên thực tế, bất kỳ DN nào đặt yêu cầu mua bán với khách hàng bằng hình thức L/C đều lập tức bị khách hàng từ chối. Lý do, áp dụng hình thức L/C chỉ khi mua bán với số lượng rất ít, còn với số lượng lớn, phương thức L/C sẽ khiến DN phải "chôn" tiền ở ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn của DN thì luôn rất cao”, ông Nhựt nói.

Theo Phó Chủ tịch thường trực VINACAS, những vụ lừa đảo gần đây cho thấy hầu như không có DN nào sử dụng phương thức L/C. Đặc biệt, khác với các vụ việc trước đây là DN xuất khẩu kết nối với người mua thông qua môi giới.

Trong vụ việc mới đây nhất xảy ra tại Dubai, DN Việt Nam đã kết nối trực tiếp với khách hàng này tại Hội chợ Gulfood Dubai hồi đầu năm nay và một lô hàng xuất khẩu vào tháng 4 đã được thực hiện thành công. Nhưng đến đơn hàng thứ 2 vào tháng 6 thì bất ngờ gặp sự cố.

Đề xuất dùng doanh nghiệp logistics uy tín tham gia hợp đồng

Bộ Công Thương cho rằng, các hoạt động lừa đảo tương đối phổ biến trong giao dịch thương mại quốc tế, dù với bất cứ thị trường nào. Do đó, DN Việt Nam cần chủ động nghiên cứu thông tin kỹ lưỡng trong các thương vụ qua biên giới của mình.

Nếu thấy vấn đề gì chưa chắc chắn cần liên hệ trực tiếp tới thương vụ Việt Nam tại các nước thị trường để thẩm định thông tin, đồng thời khuyến khích thuê công ty tư vấn để thẩm tra hợp đồng, giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra. Việc trực tiếp xác minh thông tin khách hàng là công việc cần triển khai đầu tiên, đặc biệt quan trọng đối với DN Việt Nam khi có giao kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc, Bộ Công Thương khuyến cáo, các DN Việt Nam khi giao dịch với các DN nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các phương thức thanh toán như mở L/C, hoặc đại diện DN sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền được khuyến nghị áp dụng.

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu đề xuất, các DN có thể dùng công cụ bảo hiểm hay DN logistics uy tín như một đối tác tham gia hợp đồng để bảo đảm an toàn quá trình vận chuyển.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm