Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng từ kiểm soát sang kiến tạo

DNVN - Chia sẻ tại Hội thảo “5 năm triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”, ngày 22/3, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng cần thay đổi tư duy và phương thức hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp theo hướng chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo.

Lâm Đồng: TP Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp / Bổ sung tính năng quản lý hỗ trợ doanh nghiệp khai báo C/O

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã hành nhiều quyết sách phù hợp, góp phần rất lớn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Điểm đặc biệt của Nghị quyết 02/NQ-CP là đã trực tiếp giao cho các bộ ngành nghiên cứu nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, điển hình là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Nghị định này đã chú trọng nhân rộng quy định về áp dụng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa.

Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng.

“Chúng tôi khẳng định sự ra đời của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng. Trước khi có quy định cho phép tự công bố sản phẩm tại nghị định, các doanh nghiệp thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nói.

Cũng theo đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP một lần nữa minh chứng cho việc thay đổi tư duy, cách thức quản lý của Nhà nước. Chính sách này đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, đưa việc quản lý đến gần hơn với thông lệ quốc tế, phù hợp với mô hình quản lý tiên tiến của nhiều quốc gia. Giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hội nhập.

Từ kết quả thực thi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Những bài học này có giá trị cho việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới đây.

“Cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý Nhà nước trong xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo, từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp, từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Chính sách hỗ trợ cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Có như vậy mới tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế để doanh nghiệp trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiến nghị.

Các cơ quan chức năng cần cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định phát luật thay vì tìm soát lỗi của doanh nghiệp để truy cứu hành vi và xử phạt. Để bảo đảm được điều này, các chính sách cũng cần quy định các điều kiện, tiêu chí, phương thức thực hiện cụ thể, rõ ràng và thống nhất. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tự kiểm soát và giảm chi phí tuân thủ khi tuân thủ nghĩa vụ trong công tác hậu kiểm.

Về phía doanh nghiệp, cơ chế này đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuân thủ quy định pháp luật. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc tuân thủ quy định pháp luật là điều kiện tiên quyết để ký được các hợp đồng với các đối tác quốc tế.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm