Cần dữ liệu tin cậy, minh bạch và kết nối rộng rãi cho doanh nghiệp
Varane sở hữu thống kê ấn tượng ở chung kết, Pháp tự tin vô địch World Cup 2022 / ĐT Việt Nam lần đầu vượt mặt Thái Lan ở thống kê đặc biệt tại AFF Cup
Phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế “Quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu”, sáng 16/8, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, sự tham gia của cơ quan thống kê quốc gia trong quản trị và giám hộ dữ liệu, đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan nhà nước các cấp.
Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong sản xuất thông tin thống kê đã và đang trở thành xu hướng trong công tác thống kê của nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy vậy, sử dụng dữ liệu hành chính trong thống kê hiện nay còn gặp một số khó khăn, thách thức. Nguồn dữ liệu hành chính được thiết lập ban đầu phục vụ chính cho công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành chứ không phải cho mục đích thống kê.
“Do vậy, để khai thác và sử dụng trong công tác thống kê cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục hoàn thiện các dữ liệu hành chính để phục vụ sử dụng đa mục tiêu. Nhiều bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ các cơ sở dữ liệu, chưa sẵn sàng kết nối thông tin với cơ quan thống kê”, bà Hương nói.
Theo ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, trong những năm gần đây, Tổng Cục Thống kê và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực cung cấp dữ liệu và thống kê quốc gia.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các dữ liệu phân tách, đặc biệt là theo các nhóm dân tộc thiểu số và theo độ tuổi, để hỗ trợ công việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng.
Hơn nữa, việc sử dụng các dữ liệu thống kê hành chính, ví dụ như đăng ký, thống kê hộ tịch và dữ liệu lớn vẫn còn rất hạn chế.
Vẫn còn thiếu những phân tích sâu về các vấn đề dân số thông qua các nguồn dữ liệu khác nhau như tổng điều tra, các điều tra dựa trên dân số, dữ liệu hành chính, các dữ liệu không chính thống và dữ liệu lớn để có thể hiểu sâu hơn những nhân tố ảnh hưởng và quyết định tới các biến động dân số.
“Dữ liệu có chất lượng, đáng tin cậy, nhất quán và có thể so sánh được là một yếu tố quan trọng để biến điều này thành hiện thực”, ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần có số liệu thống kê chất lượng, đáng tin cậy vừa làm cơ sở cho hoạch định chính sách, vừa là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, về giải pháp xây dựng dữ liệu tin cậy và minh bạch, bà Hương cho biết, ngoài công cụ về chính sách, cần triển khai các hạ tầng về công nghệ. Đó chính là hạ tầng quan trọng cho việc tạo dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả.
Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực tốt trong tạo dựng, sử dụng, chia sẻ cũng như áp dụng các kiến thức về dữ liệu để tạo ra thông tin, từ đó, đưa ra được quyết định chính xác và hiệu quả, giúp cho đất nước phát triển.
“Một đất nước phát triển cần phải có dữ liệu rất tin cậy, minh bạch và đặc biệt là phải được kết nối, chia sẻ rộng rãi cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và nhà quản lý”, bà Hương nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo