Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần giảm, giãn thuế phí để “cứu” doanh nghiệp

Theo Thủ tướng, nếu COVID-19 kéo dài, phải tính đến các yêu cầu khoan thư sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp.

Tổng thống Trump tuyên bố không gia hạn cho TikTok / Tương lai nào cho Huawei trên thị trường smartphone?

Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp qua các gói cụ thể, từ tài chính tín dụng đến tài khóa, đã được ban hành, nhưng khó khăn của doanh nghiệp ngày càng lớn khi trải qua các đợt tác động của dịch bệnh.

Hiện các doanh nghiệp đang bị bào mòn bởi những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng doanh nghiệp cũng đang gặp phải những khó khăn từ chính sách của một vài ngành nhất định. Điều này đang làm giảm hiệu quả của những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều khoản thuế phí chưa hợp lý

Thủy sản được thu mua lột vỏ rửa sạch và thủy sản được thu mua, xử lý qua 12 bước với các công nghệ hiện đại trên thế giới; giá trị đầu tư hàng tỷ đồng, hàng hóa được tạo ra với giá trị khác nhau. Tuy nhiên, theo văn bản của cơ quan thuế mới đây, tất cả đều bị áp là hàng sơ chế, tức phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, trong khi trước đó các doanh nghiệp thủy sản đang được hưởng mức thuế 10 - 15% do được áp mã hàng chế biến.

Cần giảm, giãn thuế phí để “cứu” doanh nghiệp - Ảnh 1.

Để doanh nghiệp có thể tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh, biện pháp cấp bách là giảm các chi phí, giãn khoản nghĩa vụ của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế và thế nào là chế biến. Đây không phải là vụ việc đơn lẻ, bởi vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra với doanh nghiệp sản xuất gỗ, chỉ cần đổi mã ngành áp thuế xuất khẩu thì cũng từ 0% tăng thành 20%. Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất ống đồng cũng kêu cứu khắp nơi vì thuế xuất khẩu đang ở mức 0% đã tăng lên 5%.

Không chỉ thuế thay đổi đột ngột, các loại phí dù nằm trong lộ trình tăng, như giá bốc xếp cảng biển cũng đang tạo sự lo lắng. Bởi từ một loại phí này, các loại phụ phí liên quan cũng có nguy cơ tăng lên khiến chuỗi logistic vốn đã đứt gãy giờ càng khó liền.

Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động do những rủi ro chính sách đã gửi những đơn kêu cứu. Áp lực đang gia tăng này là nỗi lo đối với doanh nghiệp.

Báo động sức chống chịu của doanh nghiệp

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã công bố báo cáo khảo sát lần 3 thực hiện với gần 350 doanh nghiệp và 15 hiệp hội, nhằm nhận diện rõ hơn các khó khăn phát sinh khi dịch bệnh bùng phát lần 2. Kết quả cho thấy những con số đáng báo động về sức chống chịu của doanh nghiệp.

 

Theo khảo sát, cứ 10 doanh nghiệp thì có 2 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, gần 8 doanh nghiệp không cân đối được thu chi. Trong tổng số các doanh nghiệp và hiệp hội đã được khảo sát, có tới 98% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi COVID-19, chỉ 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đáng lo ngại, việc cắt giảm lao động trong doanh nghiệp cũng đã phải diễn ra.

Thực tế, đơn hàng của các doanh nghiệp tiếp tục giảm sút, trong khi chi phí là một gánh nặng. Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất mỏng, đặc biệt dòng tiền để duy trì hoạt động đang là vấn đề vô cùng khó khăn.

Cần giảm, giãn thuế phí cho doanh nghiệp

Gánh nặng chi phí, áp lực hoạt động là việc doanh nghiệp phải chịu trên thương trường mỗi khi bão gió. Với doanh nghiệp, sự thấu hiểu và nuôi dưỡng là cần thiết để cộng đồng doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cần giảm, giãn thuế phí để “cứu” doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hiện các doanh nghiệp đang bị bào mòn bởi những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)

 

Dự kiến, lộ trình tăng phí xếp dỡ cảng biển có thể tăng vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến. Việc giãn thời điểm thực hiện cũng là cách để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn.

Để doanh nghiệp có thể tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh, biện pháp cấp bách là giảm các chi phí, giãn khoản nghĩa vụ của doanh nghiệp để doanh nghiệp có được nguồn lực vượt qua khó khăn cụ thể như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020; miễn nộp phí công đoàn trong năm 2020 và 2021; giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang 2021; giảm 50% thuế giá trị gia tăng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm