Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

DNVN - Dù công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô trong năm 2024 nhưng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp liên tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao làm giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm xuất khẩu.

Bình Phước: Đóng điện thành công Trạm biến áp 110kV Hoa Lư / Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Tại họp báo thường kỳ quý IV/2024 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/1 tại Hà Nội, bà Mai Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, sản xuất công nghiệp năm 2024 phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% - tăng mạnh so với mức tăng 1,5% trong năm 2023.

Công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32% so với năm trước. Đây là mức tăng gần cao nhất trong giai đoạn 2019-2024, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, đóng góp 2,49 điểm phần trăm.

Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích tăng trưởng công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60/63 địa phương). Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực như Bắc Giang tăng tới 27,7%.


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, theo bà Hiền, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành.

Do đó, theo Bộ Công Thương, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển đội ngũ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò trụ cột, đồng thời phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam giao lưu, kết nối mở rộng thị trường, trao đổi, tiếp nhận công nghệ với đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, tập trung quán triệt sâu sắc và kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về phát triển KTXH năm 2025 và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi, phù hợp nhằm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.

Đồng thời tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm