Hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng cường cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp

DNVN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, cơ chế cảnh báo sớm cần phân tầng về mặt thông tin, nếu không chủ động thì không đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.

Bình Phước: Đóng điện thành công Trạm biến áp 110kV Hoa Lư / Giải pháp nào để xuất khẩu thuỷ sản không 'loanh quanh' mức 10 tỷ USD?

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng vệ thương mại năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngày 6/1 tại Hà Nội, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng phức tạp. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã liên tục đặt ra những tiêu chuẩn mới, gia tăng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gây áp lực lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ.

Theo ông Nguyễn Đăng Chung - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, xu hướng báo hộ trên thế giới ngày càng gay gắt, vai trò của công tác phòng vệ thương mại ngày càng tăng. Theo đó, hai đơn vị cần tiếp tục hợp tác triển khai các nhiệm vụ để Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp khi thị trường gia tăng điều tra phòng vệ thương mại.

Ở góc độ hiệp hội ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Cục Phòng vệ thương mại để cập nhật thông tin và cảnh báo sớm về các vụ kiện thương mại, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và đạt kết quả tốt nhất.

Đánh giá cao những nỗ lực của Cục Phòng vệ thương mại trong năm 2024 nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ rõ rằng năm 2025 sẽ là năm đầy thách thức.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

"Chúng ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu tận dụng tốt sẽ tác động tích cực không chỉ đối với xuất khẩu mà cả nhập khẩu. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại cần được triển khai mạnh mẽ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường công tác cảnh báo sớm, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng nhằm kịp thời ứng phó với các vụ kiện thương mại.

“Cơ chế cảnh báo sớm cần phân tầng về mặt thông tin, nếu không chủ động thì không đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; tránh dự báo mà không cùng tiêu chí với doanh nghiệp, hiệp hội dẫn đến không đồng bộ trong triển khai liên quan đến ứng phó các vụ việc, thậm chí kéo các vụ việc”, Thứ trưởng chỉ rõ.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Trịnh Anh Tuấn khẳng định, đơn vị sẽ tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ năm 2025 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Đặc biệt, Cục sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế biến động.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm