Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần Thơ đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI

DNVN - Ngày 1/7, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của TP Cần Thơ và Đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Văn Hào tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ / Cần Thơ: Xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Doanh nghiệp “khát vốn”

Trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các DN, nhiều ý kiến đề cập đến các vấn đề: chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính và chuyển đổi đường điện 3 pha để phục vụ sản xuất; chưa có đường nước sạch, cống thoát nước sinh hoạt công cộng cho DN; khó khăn khôi phục sản xuất vì thiếu nguồn nhân lực; giá xăng dầu tăng cao...

ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị   Quang cảnh tại hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ông Trần Vũ Trường- Đại diện DN vận tải logistics cho biết: Sau đại dịch, các DN rất khó khăn trong khôi phục sản xuất, nhưng giá xăng dầu tăng mạnh liên tục khiến DN vận tải lao đao. Vì vậy, DN mong muốn chính quyền địa phương có gói hỗ trợ để có thể tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hào - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ, DN đang rất thiếu vốn. Tuy nhiên, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN thì Nghị định quy định các DN có ngành nghề kinh doanh theo Điều 2.a được hỗ trợ 2% lãi suất của các khoản vay kể từ ngày 1/1/2022. Tại Điều 3.6 của Nghị định này lại quy định việc hỗ trợ lãi suất được các Ngân hàng thương mại thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí được thông báo, tùy theo thời điểm nào đến trước.

“Qua khảo sát thực tế cho thấy, đến nay các DN hội viên vẫn chưa được tiếp cận thông tin và hướng dẫn từ phía các Ngân hàng thương mại”, ông Hào cho biết.

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của DN, chuyên gia, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Thời gian qua dù môi trường đầu tư của thành phố có cải thiện tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế. Ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì vẫn còn yếu tố chủ quan, thủ tục hành chính chưa giải quyết theo đúng tiến độ, gây khó khăn cho DN.

Việc gia nhập thị trường của DN cũng gặp khó về vốn, nguyên liệu, kết nối thị trường, hỗ trợ pháp lý... Qua theo dõi, vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN trong hỗ trợ pháp lý, làm mất đi hình ảnh cán bộ, công chức, gây trì trệ nền hành chính công, ảnh hưởng đến sự quản lý, điều hành của thành phố.

Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI

Theo báo cáo, năm 2021, TP Cần Thơ vẫn duy trì vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng PCI cả nước (với điểm tổng hợp là 68,06 điểm, tăng 1,73 điểm) thuộc nhóm tỉnh, thành phố xếp hạng tốt; đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có 5 chỉ số thành phần tăng điểm (tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ DN và thiết chế pháp lý); 5 chỉ số thành phần giảm điểm (gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động).

ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị   Quang cảnh tại hội nghị

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Để cải thiện chỉ số PCI, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thành phố tiếp tục duy trì những chỉ số thành phần có vị trí cao, thứ hạng cao tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp điểm trong bảng xếp hạng PCI hàng năm. Đồng thời, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bảo đảm môi trường đầu tư bền vững, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần DN, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung cho nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Trách nhiệm này, thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các sở, ngành, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tiếp cận và hỗ trợ DN hiệu quả gắn với khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của DN để có hướng điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp, thiết thực.

Đặc biệt là các lĩnh vực gây nhiều phiền hà cho DN; tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ DN trong khuôn khổ Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Để cải thiện vượt bậc môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN đòi hỏi các sở, ngành phải thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt. Các cấp, các ngành phải làm mạnh mẽ hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý sai phạm, nhất là hành vi “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân và DN. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ các cấp phải có động lực đổi mới, sáng tạo.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở các ý kiến đánh giá, phân tích, đề xuất của các Chuyên gia, các DN và một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp được giao tại Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 19/1/2022 của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 2/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch nâng cao điểm số các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố năm 2022, để Cần Thơ phấn đấu đạt thứ hạng cao hơn năm 2021.

Đồng thời, tham mưu UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Các đơn vị được giao phụ trách các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở phải xây dựng kế hoạch cải thiện điểm số, trong đó cần chủ động tham mưu các chính sách, các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở thấp. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao.

Bên cạnh đó, đề nghị Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ thành phố nâng cao vai trò của mình trong góp ý xây dựng chính quyền, thường xuyên đề xuất những vấn đề có liên quan để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố Cần Thơ. Chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn thành phố về số lượng, ngành nghề, trình độ để thông tin kịp thời cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có kế hoạch, định hướng đào tạo cho phù hợp; vận động các DN đặt hàng đào tạo nghề, phối hợp trong đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và gắn chặt giữa đào tạo và giải quyết việc làm.

Đặc biệt, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm nghiên cứu đề xuất việc tổ chức hoạt động định kỳ Lãnh đạo UBND thành phố tiếp các DN để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, từ đó có quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, tạo môi trường tốt nhất để DN phát triển. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, là “bệ đỡ” quan trọng cho các DN; phối hợp sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ DN; chủ động góp ý vào các cơ chế, chính sách, đề án, quy hoạch của thành phố.

Ngoài những vấn đề nêu trên, thành phố cam kết sẽ giải quyết thấu đáo các kiến nghị, đề xuất của DN nêu tại Hội nghị và trong quá trình thực hiện đầu tư, kinh doanh tại thành phố, bảo đảm hài hòa lợi ích DN, người dân và lợi ích của thành phố.

Khánh Ngọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm