Hỗ trợ doanh nghiệp

Cảng Chu Lai – Cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa mới tại miền Trung

DNVN - Là cửa ngõ xuất khẩu mới tại miền Trung - Tây Nguyên, cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp toàn bộ chuỗi dịch vụ, thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm giao nhận - vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế.

THACO tặng máy chiết tự động xét nghiệm COVID-19 trị giá 2 tỷ đồng cho CDC Quảng Nam / Đoàn y tế Đà Nẵng xuất quân chi viện Bắc Giang chống dịch Covid-19

Những năm qu hoạt động xuất khẩu khu vực miền Trung đã có bước phát triển đáng kể, các mặt hàng chủ lực đã vươn tới nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động logistics phát triển chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của vùng. Khu vực này cần nâng cấp hạ tầng, phát triển cảng biển gắn với chuỗi dịch vụ logistics trọn gói, đồng thời hình thành trung tâm logistics làm đầu mối trung chuyển hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế cảng biển.

Tổng quan cảng Chu Lai

Tổng quan cảng Chu Lai

Miền Trung hiện có hơn 20 cảng biển nhưng tổng sản lượng hàng qua cụm cảng của vùng chỉ chiếm thị phần nhỏ của cả nước. Đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, phần lớn hoạt động dưới dạng gom hàng do đó hiệu quả khai thác không cao. Để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, các cảng miền Trung cần cải thiện hạ tầng, nâng cấp dịch vụ, đồng thời xây dựng cảng nước sâu quy mô lớn.

Là cửa ngõ xuất khẩu mới tại miền Trung - Tây Nguyên, cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp toàn bộ chuỗi dịch vụ, thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm giao nhận - vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế.

Kết nối thuận tiện

Nằm ngay trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cảng Chu Lai có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp đến quốc lộ 1A, đường ven biển và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn như KCN Tam Thăng (Quảng Nam), KCN VSIP, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Đồng thời kết nối với các cửa khẩu quốc tế của các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cảng Chu Lao có vị trí thuận lợi, kết nối với các khu vực công nghiệp và các vùng miền

Cảng Chu Lao có vị trí thuận lợi, kết nối với các khu vực công nghiệp và các vùng miền

Đến nay cảng Chu Lai đã đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phát triển chuỗi dịch vụ trọn gói có khả năng khai thác đa chủng loại hàng như hàng lỏng, khí, hàng container, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng rời… với công suất 4 triệu tấn/năm. Hệ thống kho bãi được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và phân chia theo từng khu vực chuyên dụng, gồm kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh, bãi container.

Gắn cảng biển với vận tải đa phương thức là giải pháp tối ưu để gia tăng nguồn hàng, rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Cảng Chu Lai chú trọng phát triển các tuyến vận tải đường bộ nội địa và xuyên biên giới để tập trung hàng hóa; đồng thời đẩy mạnh khai thác vận tải đường biển nội địa và liên kết mở các tuyến hàng hải trực tiếp đến các cảng lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Hiện nay, cảng đang triển khai mở rộng cầu cảng 365m về phía hạ lưu để xây dựng bến cảng đón tàu 50.000 tấn. Đặc biệt, xác định mũi đột phá trong phát triển kinh tế là hệ thống cảng biển, tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến quy hoạch cảng Chu Lai thành cảng loại I; đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở đảm bảo tàu tải trọng lớn ra vào thuận lợi; phát triển cảng thành Trung tâm logistics hàng hải, khu cảng thương mại, cảng du lịch hướng đến mục tiêu chiến lược trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Trung, kết nối ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia.

Tàu của hãng APL cập bến và làm hàng tại cảng Chu Lai

Tàu của hãng APL cập bến và làm hàng tại cảng Chu Lai

Đa dạng nguồn hàng

Trong hoạt động logistics, việc tạo “chân hàng” có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cảng biển. Cảng Chu Lai có lợi thế lớn nhờ nguồn “chân hàng” từ Tập đoàn THACO. Những lô hàng ô tô, linh kiện, nông sản… của THACO đều đặn xuất nhập khẩu qua cảng đã góp phần giải quyết khó khăn về thiếu vỏ container trong đối lưu hàng xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian, mang lại lợi ích kép cho khách hàng.

Cảng Chu Lai cũng tăng cường kết nối cung - cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Lào - Campuchia (nơi có nhu cầu lớn về xuất khẩu nông sản, đồng thời cần vật tư, vật liệu sản xuất); phát triển vận chuyển hai miền Nam - Bắc nhằm gia tăng nguồn hàng đối lưu. Thời gian tới, cửa khẩu Nam Giang được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế sẽ góp phần phát triển tuyến vận chuyển từ khu vực bắc Thái Lan - Pakse - Sekong (Lào) - Nam Giang - Chu Lai, thu hút thêm nguồn hàng về cảng.

Đưa dăm gỗ lên tàu bằng băng chuyền để xuất khẩu

Đưa dăm gỗ lên tàu bằng băng chuyền để xuất khẩu

Ngoài ra cảng Chu Lai còn cung cấp đa dạng các dịch vụ với phương án làm hàng tối ưu, thủ tục hải quan nhanh chóng, thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn xuất nhập hàng hóa như: Thép Hòa Phát, Millennium Furniture, Hoàng Anh Gia Lai, Sun Paper Lào, Á Châu, Thagrico…

Trong quý I/2021, hơn 10.800 container linh kiện, 1.500 container nông sản, 17.200 tấn dăm gỗ cùng nhiều loại hàng hóa khác đã được xuất nhập khẩu qua cảng. Theo kế hoạch, năm 2021 sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai dự kiến đạt 4 triệu tấn (tăng 53% so với năm 2020).

Với sự phát triển nhanh chóng và đầu tư lớn của Tập đoàn THACO vào hoạt động logistics, cảng Chu Lai hứa hẹn sẽ góp phần lớn trong việc giải quyết điểm nghẽn lớn nhất về vận tải đường thủy của khu vực, thu hút các nhà đầu tư vào vùng gió cát của miền Trung.


Phan Thạch Lựu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm