Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại

DNVN - Sức hút của chợ Cồn không chỉ ở sự đa dạng, phong phú các mặt hàng mà còn nhờ vào những đặc trưng riêng biệt của một chợ truyền thống còn sót lại ngay giữa trung tâm TP Đà Nẵng. Chợ Cồn hoạt động theo hình thức chợ truyền thống đã, đang và sẽ là đặc trưng, biểu tượng lịch sử, văn hóa của nhân dân TP, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Chùm ảnh các KCN ở Đà Nẵng tổng lực phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn sản xuất

Như tin đã đưa, UBND TP Đà Nẵng vừa báo cáo Thường trực HĐND TP có sự thay đổi chủ trương về phương án đầu tư, quản lý, khai thác chợ Cồn - chợ trung tâm lớn nhất TP (thuộc địa bàn phường Hải Châu 2, quận Hải Châu). Theo đó, không tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn, và hiện đang giao Sở Công Thương chủ trì đề xuất phương án xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại.

Chợ Cồn sẽ được xây dựng theo mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại

Chợ Cồn sẽ được xây dựng theo mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam ngày 2/6, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết thêm, chợ Cồn là công trình mang yếu tố lịch sử, là nơi phân phối sỉ của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ngày nay, chợ Cồn là điểm đến của hầu hết các tour du lịch, của du khách khi đến Đà Nẵng.

“Sức hút của chợ Cồn không chỉ nhờ vào sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng mà còn nhờ vào những đặc trưng riêng biệt của một chợ truyền thống còn sót lại, nằm ngay tại trung tâm TP Đà Nẵng. Chợ Cồn hoạt động theo hình thức chợ truyền thống đã, đang và sẽ là đặc trưng, biểu tượng lịch sử, văn hóa của nhân dân TP, phù hợp với nguyện vọng của người dân!” – bà Lê Thị Kim Phương nói.

Qua phân tích, phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn thành Trung tâm thương mại (vốn đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng) hiện không thể thực hiện theo hình thức PPP (Luật Đầu tư công đối tác công tư), không thuộc danh mục được phân bổ vốn đầu tư công (căn cứ Quyết định 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ), không nhận được sự đồng thuận cao của tiểu thương nên sẽ dễ dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, cũng như không đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả của công trình.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được nêu tại Quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định duy trì các chợ truyền thống, phát huy giá trị của chợ văn minh truyền thống chợ Hàn, chợ Cồn.

“Vì vậy, việc duy trì chợ Cồn hoạt động theo mô hình chợ truyền thống cũng như đầu tư, xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại là lựa chọn phù hợp. Theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng phối hợp khảo sát, thăm dò nguyện vọng của thương nhân và hoàn chỉnh phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn theo hướng chợ truyền thống văn minh hiện đại!” – bà Lê Thị Kim Phương cho biết.

Theo đó, mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại tại chợ Cồn có quy mô 1 tầng hầm và 3 tầng nổi; diện tích sàn xây dựng 32.600m²; vốn đầu tư dự kiến khoảng 400 – 500 tỉ đồng. Hình thức đầu tư được đề xuất là Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình và tiểu thương thanh toán tiền thuê mặt bằng theo định kỳ 15 năm 1 lần (77% tiểu thương được khảo sát lựa chọn phương án thanh toán trước 15 năm 1 lần)

Về khả năng khai thác, theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn theo hình thức chợ truyền thống văn minh, hiện đại như nêu trên đáp ứng diện tích bố trí toàn bộ hộ kinh doanh hiện có (chỉ cần khoảng 18.000 m2); diện tích còn lại sẽ phục vụ cho các hoạt động dịch vụ phụ trợ khác và dự phòng khả năng phát triển thêm từ 20 đến 30% số hộ kinh doanh.

Bà Thị Kim Phương cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, tháng 8/2017, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát ý kiến hộ kinh doanh về phương án đầu tư, xây dựng chợ Cồn (với số lượng 1.250 phiếu khảo sát).

Kết quả cho thấy có 52,5% tiểu thương kinh doanh tại chợ được khảo sát đồng ý xây dựng lại chợ với mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại, phù hợp với mong muốn được hoạt động trong mô hình chợ truyền thống, kinh doanh ở tầng thấp; 78% hộ tiểu thương ủng hộ phương án Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình và tiểu thương thanh toán tiền thuê mặt bằng theo định kỳ 15 năm/1 lần; đồng thời đề nghị công trình chợ có quy mô vừa phải để hộ kinh doanh có thể tham gia góp vốn thực hiện.

Theo bà Lê Thị Kim Phương, việc đầu tư xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại hiện là phương án dự kiến được thực hiện bởi đơn vị chủ quản là Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng (trực thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng). Với vốn đầu tư dự kiến 400 - 500 tỷ đồng, nếu Công ty được vay vốn từ Quỹ Đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng, đồng thời kêu gọi tiểu thương trả trước tiền thuê mặt bằng trong thời hạn nhất định để đầu tư nâng cấp chợ Cồn thì sẽ thực hiện được phương án này.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn vướng mắc đang đặt ra. Hiện Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương, là đơn vị đầu mối có chức năng quản lý và đầu tư đối với các hoạt động của các chợ hạng 1 trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó có chợ Cồn.

Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, có thể sử dụng nguồn vốn vay nhưng không có hoạt động chi đầu tư trong việc sử dụng nguồn tài chính của đơn vị.

“Vì vậy, để Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng có thể đầu tư, xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại thì cần phải cần nghiên cứu một mô hình đầu tư phù hợp theo hướng tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để Công ty có thể thực hiện” – bà Lê Thị Kim Phương nói.

Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cũng cho hay, khi UBND TP thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống, văn minh, hiện đại với quy mô vốn dự kiến khoảng 500 tỷ đồng thì Sở Công Thương sẽ tiến hành thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để xây dựng phương án đầu tư, xây dựng, khai thác chợ Cồn (phương án tài chính, hình thức đầu tư phù hợp…), báo cáo UBND TP.

Như tin đã đưa, tại báo cáo số 3154/UBND-TH (ngày 24/5/2021) gửi Thường trực UBND TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh cho hay UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương giao Sở Công Thương lựa chọn đơn vị tư vấn lập phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn theo hướng duy trì chợ truyền thống, văn minh, hiện đại. Hiện Sở Công Thương đang xây dựng dự toán, đề cương nhiệm vụ lập phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn để gửi lấy ý kiến các ngành, đơn vị liên quan.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm