Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ cùng doanh nghiệp vượt khó: “3 không, 5 thật”, "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro"

Thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Gói 26.000 tỷ được giải ngân quá ít, cần thêm gói hỗ trợ mới để "cứu" doanh nghiệp / Đồng Nai: Doanh nghiệp sẵn sàng vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng dịch

Dịch bệnh đã có những tín hiệu được kiểm soát tích cực. Người dân dần trở lại với nhịp sống bình thường mới. Những nhà máy, công trình dần khởi động sau nhiều ngày đóng cửa. Nhiều người ví thời điểm này giống như lúc sắp bước sang một năm mới, chỉ khác là trong một tâm trạng đan xen giữa nhiều nhiều lo toan và hy vọng.

Với việc giãn cách nhằm ưu tiên chống dịch, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã tạm thời đóng cửa hoặc phải hoạt động cầm chừng, thiệt hại là vô cùng lớn. Giây phút được quay lại hoạt động được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ rất lâu, bởi gánh nặng duy trì chống dịch và hoạt động cầm chừng khiến họ đã đối mặt suy kiệt, nhưng thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 như thế nào, đây vẫn là bài toán không dễ.

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Đảng và Nhà nước luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chính phủ cùng doanh nghiệp vượt khó: “3 không, 5 thật”, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Với định hướng đưa chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn; doanh nghiệp, người dân đến với chính quyền gần hơn. Liên tiếp 5 lần Thủ tướng tổ chức gặp mặt, làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm lắng nghe, chia sẻ và tháo khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp kể từ khi dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, khẳng định tinh thần đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại cùng doanh nghiệp có hơn 1.200 doanh nghiệp, hiệp hội tham dự tại 63 điểm cầu trực tuyến cuối tuần vừa qua là hội nghị lần thứ 5 từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay. Điều này cho thấy sự sát cánh, đồng hành của Chính phủ, doanh nghiệp liên tục trong các diễn biến khó lường của dịch bệnh với nền kinh tế. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Không chỉ lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã hướng tới tinh thần thấu hiểu để hành động nhanh, đúng, trúng trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay.

Thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân với một loạt nghị quyết, nghị định ra đời trong thời gian rất ngắn.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định về việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng khẳng định không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ, tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên.

Đối với các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần "3 không" và "5 thật". "3 không" là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. "5 thật" là nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xử lý trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh cho mình để chủ động, sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới, tái cấu trúc lại để phù hợp với tình hình. Các bộ, ngành, địa phương cũng phải rất trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có chiến lược chống dịch, khẩn trương xây dựng kịch bản "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, khi đó chính sách đưa ra sẽ hiệu quả hơn; đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, xử lý theo thẩm quyền.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch thứ 4

COVID-19 với biến thể Delta mạnh hơn trước nhiều khiến dịch bệnh phức tạp và khó lường hơn trước. Thời gian qua, các cấp, Chính phủ, các bộ, ngành đối diện với những khó khăn có thể nói là chưa từng có. Vì vậy không hiếm tình trạng cùng một quy định nhưng có địa phương làm tốt, có nơi lại triển khai máy móc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lây lan khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải phong tỏa khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm; nhiều người lao động ở các tỉnh không có việc làm và không có tiền dự trữ.

Chính phủ cùng doanh nghiệp vượt khó: “3 không, 5 thật”, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro - Ảnh 2.
Doanh nghiệp chỉ có thể dồn sức cho sản xuất khi an tâm với những cơ chế rõ ràng, cụ thể và có thể tiếp cận được. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Nhằm hỗ trợ và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 với 59 nhiệm vụ, giải pháp được chia thành 4 nhóm giải pháp chính. Đây là động thái kịp thời với những giải pháp mang tính tổng thể.

Theo báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105, 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra rằng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là việc xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất an toàn, chỉ khi có cơ chế rõ ràng các tiêu chí cụ thể cho sản xuất an toàn, doanh nghiệp mới có thể khởi động lại quá trình sản xuất một cách bền vững. Nếu chưa có những quy định này, doanh nghiệp khó có thể xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho mình.

Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp khiến chính sách chưa thể đi vào cuộc sống như mong muốn.

Tại các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, An Giang, 90% các nhà máy sản xuất da giày tại đây đã đóng cửa nhiều tháng qua. Dự kiến, ngành hàng tỷ đô này của Việt Nam chỉ có thể đạt 70% mục tiêu xuất khẩu. Có trường hợp đối tác đã chuyển dịch sang nơi khác.

 

Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ cho lao động là từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người dựa trên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Điều này thể hiện tinh thần Quốc hội hành động, đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống đại dịch.

Chính phủ cùng doanh nghiệp vượt khó: “3 không, 5 thật”, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro - Ảnh 3.
Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động bị mất việc làm do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, người sử dụng lao động đủ điều kiện được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0%. Tổng số tiền hỗ trợ dành cho cả người lao động và người sử dụng lao động lần này là 38.000 tỷ đồng. Đây là chính sách mang tính lan tỏa, nhân văn và cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

Trước đó, các chính sách miễn giảm thuế và giãn hoãn nợ cũng góp phần giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, dành nguồn lực phục hồi sau khủng hoảng.

 

Doanh nghiệp chỉ có thể dồn sức cho sản xuất khi an tâm với những cơ chế rõ ràng, cụ thể và có thể tiếp cận được. Bản thân các doanh nghiệp cũng xác định rõ nếu không đảm bảo an toàn dịch bệnh, cũng không thể sản xuất. Vì vậy, đi kèm với sự tự chủ là trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp đối với sản xuất an toàn.

Thấu hiểu điều này, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ "mở cửa" rồi lại "đóng cửa" ngay.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân, với một loại nghị quyết, nghị định ra đời trong thời gian rất ngắn.

Quay lại hoạt động vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ mất đơn hàng lớn nhất trong năm. Hiện các doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn gì? Các gói hỗ trợ kinh tế thời gian qua có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp và người lao động?

Những câu hỏi trên phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Tọa đàm: Đồng hành với sự tham gia của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam; ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua video TẠI ĐÂY.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm