Hỗ trợ doanh nghiệp

Cấp giấy phép môi trường: Vẫn là "bình mới, rượu cũ", chưa cắt giảm được cơ chế xin - cho

DNVN - Liên quan đến dự thảo cập nhật nhất Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp (DN) cho rằng, thủ tục cấp giấy phép môi trường vẫn rườm rà, trùng lặp. Việc tích hợp 7 loại giấy phép môi trường thành 1 chỉ là đổi 7 cái tên thành chung 1 cái tên, nội dung từng phần vẫn như cũ.

Dấu ấn Aqua City: Vận hành chuyên nghiệp từ hệ sinh thái toàn diện / Doanh nghiệp đề xuất cho thuyền viên cách ly tại khách sạn

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi nhận được nhiều ý kiến quan ngại của một số Hiệp hội, DN về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, ngày 22/9/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông cáo báo chí để làm rõ các nội dung.
Theo VASEP và một số hiệp hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lắng nghe và tiếp thu một số góp ý để hoàn thiện vào Dự thảo (cập nhật ngày 16/9/2021). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hiệp hội, vẫn còn một số điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời và giải thích chưa thuyết phục, chưa thỏa đáng.
VASEP dẫn lời ông Nguyễn Hồng Uy – đại diện Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, tại dự thảo cập nhật nhất Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến góp ý bằng những điều chỉnh tiến bộ. Tuy nhiên, thủ tục cấp Giấy phép môi trường vẫn trùng lắp, rườm rà. Hồ sơ trùng lắp nhiều với 2 lần thẩm định, 2 lần kiểm tra thực địa.

Ảnh minh họa.
"Điều 29 của dự thảo cũng không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép, DN không tính được thời gian để lên kế hoạch đầu tư. DN không rõ cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí ở đâu?", ông Nguyễn Hồng Uy bày tỏ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xả khí thải công nghiệp, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại vào 1 Giấy phép môi trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Uy đánh giá, sự thay đổi này quả thực không đáng kể, chẳng qua là đổi 7 cái tên thành chung 1 cái tên, nội dung từng phần vẫn như cũ. Giống như đổ 7 chai rượu sắn 0,5 lít vào 1 chai 3,5 lít, rượu sắn vẫn là rượu sắn. Chỉ có vỏ chai là mới.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Uy, Dự thảo không làm rõ tiêu chí thế nào là “cần thiết”, không làm rõ thời gian thẩm định, thời gian kiểm tra thực địa bao lâu phải trả lời… . Do đó, ông đặt câu hỏi "Làm sao cắt giảm được cơ chế xin-cho?".
"Hậu kiểm thì chưa thấy thể hiện trong Dự thảo nhưng công tác tiền kiểm có tới 2 lần: 2 lần thẩm định hồ sơ, 2 lần kiểm tra thực địa “trong trường hợp cần thiết”. Như vậy là đi ngược lại Nghị quyết 18/2018/NĐ-CP của Chính phủ mà Bộ Tài nguyên môi trường đã nhắc đến “chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”, ông Nguyễn Hồng Uy nhìn nhận.
Với quan điểm trên, đại diện Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống bày tỏ mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển sang hành động thực tế, chuyển các hoạt động tiền kiểm thực địa sang hậu kiểm.
"Chỉ có hậu kiểm mới giúp được môi trường tốt lên, chứ “ngồi nhà” cấp giấy phép mà không hậu kiểm thì môi trường sẽ chịu hậu quả. Bài học đau đớn là sự cố Fomosa năm 2016, có đủ giấy phép môi trường mà môi trường vẫn bị đầu độc", ông Uy nói.
Về vấn đề này, một số hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, để tránh trùng lắp hồ sơ, với những hồ sơ đã nộp khi xin duyệt đầu tư mới thì không nộp lại khi xin duyệt giấy phép môi trường. Ngành môi trường cũng nên chấp nhận các cam kết của DN khi cấp giấy phép môi trường, bãi bỏ kiểm tra thực địa khi cấp giấy phép môi trường, thay bằng hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các nội dung giấy phép môi trường được cấp.
Dự thảo cũng cần quy định rõ thời gian thẩm định kể từ thời điểm tiếp nhận. Ngay tại thời điểm nộp hồ sơ, nếu đủ thì xác nhận tiếp nhận cho DN. Yêu cầu bổ sung phải rõ ràng, cụ thể, có cơ sở khoa học và pháp lý, và chỉ yêu cầu bổ sung một lần bằng văn bản cụ thể, trừ khi DN bổ sung nội dung đó vẫn chưa đầy đủ thì mới được yêu cầu bổ sung tiếp.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm