Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính sách khởi nghiệp: Cần hỗ trợ trực tiếp thay vì chỉ ở vòng ngoài

DNVN - Việt Nam mới đang hỗ trợ vòng ngoài là nhiều chứ chưa hỗ trợ trực tiếp cho những người khởi nghiệp. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc tập trung cho hỗ trợ khởi nghiệp nên tập trung hỗ trợ cải cách để hỗ trợ chi phí và ngân sách nhưng điều quan trọng nhất là cơ chế.

Một số vấn đề đặt ra trong Huy động nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp / Khởi nghiệp Công nghệ - Sân chơi mới và bổ ích cho các startup sắp lên sóng VTV 3

Hành trình dài trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2019 lần thứ tư với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn tổ chức chiều 02/12 tại Hà Nội, các đại biểu và diễn giả cho rằng, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay đã đi được hành trình rất dài so với 10 năm trước đây.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế - VCCI cho biết, nước ta hiện có những văn bản chính sách quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Đó là Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã xác lập vai trò và vị trí của doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các khung khổ pháp luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đều tập trung và đạt tiêu chuẩn cao về phát triển môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp.
"Năm 2017 Quốc hội lần đầu tiên ban hành Luật hỗ trợ DNNVV. Đây là một điểm rất khác so với các nước khác bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV. Luật hỗ trợ DNNVV được rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, bởi đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ từ tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tư vấn và pháp lý, nguồn lực… Ngoài 7 chính sách hỗ trợ chung, còn 3 chính sách hỗ trợ mục tiêu: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị", ông Đậu Anh Tuấn nêu.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2019 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp".
Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá mặc dù có hiệu lực 1/1/2018 nhưng việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV chưa đều và chưa rộng khắp và triệt để. Một số địa phương đã thực hiện tốt nhưng một số địa phương chưa thực hiện tốt. Đây cũng là thách thức để các địa phương chưa thực hiện tốt cần phải có chính sách để hỗ trợ cho DNNVV.
Cũng đề cập tới chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV (Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội) cho biết, với thực tiễn triển khai từ 2016 và thực hiện đề án 844 Chính phủ, Nghị quyết 35 của Chính phủ và đặc biệt 12/6/2017 đã thông qua luật hỗ trợ DNNVV và có hiệu lực từ 1/8/2018 thì Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 9/9/2019 TP đã ban hành đề án riêng về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,trong đó có nhiều hỗ trợ cho đối tượng là khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ về truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu tư năm 2020; Hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng cho khởi nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động liên kết kết nối; Tổ chức hoạt động ngày hội thủ đô, các hoạt động đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ toàn bộ liên quan khoa học công nghệ, liên quan tới sở hữu trí tuệ…
Cần hỗ trợ trực tiếp người khởi nghiệp
Nói về thực trạng khởi nghiệp tại trường đại học, bà Lê Thị Minh Ngọc, – Phó trưởng ban Hỗ trợ Khởi nghiệp – Học viện ngân hàng cho rằng: Khó khăn đầu tiên là ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp. Sinh viên chủ yếu học các môn đại cương và chuyên ngành. Khi học những môn này, nhiều sinh viên nghĩ chỉ để làm thuê chứ không nghĩ là mình phải học để làm chủ. Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi đã có chính sách cộng điểm rèn luyện thì các sinh viên mới tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp".
Thực tế cho thấy, các nhóm khởi nghiệp khi đi được một nửa đường thì bỏ cuộc vì nhiều khó khăn. Các bạn sinh viên mới khởi nghiệp họ chưa có nhiều kiến thức để phát triển sản phẩm. Để hoàn thiện và có thể đưa các ý tưởng khởi nghiệp đi xa, các bạn cần bổ sung thêm kiến thức còn thiếu, đồng thời có thể kết hợp với các khoa khác hay các anh chị khóa trên để hoàn thành ý tưởng khởi nghiệp.
Luật sư Đoàn Thu Nga – Chủ tịch HĐ Công ty TNHH Lawpro – Huấn luận viên của Action Coach cho biết, trên thế giới đã thống kê rằng chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Điều đó có nghĩa là có tới 90% khởi nghiệp là thất bại.
Bà Nga chia sẻ, năm 2018 chúng ta có Nghị định 38 ít nhất đã tiến bộ hơn văn bản trước đó như so với Luật hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên vẫn có một số nội dung khó khả thi để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn mong muốn có quy định để gọi vốn được tốt nhất nhưng câu chuyện gọi vốn hay quỹ đầu tư mạo hiểm thì lại chưa thật sự rõ ràng
Theo đánh giá của nữ luật sư này, vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, chúng ta mới đang hỗ trợ vòng ngoài là nhiều chứ chưa hỗ trợ trực tiếp cho những người khởi nghiệp. Kết quả một khảo sát cho thấy hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát cho thấy họ cảm thấy yếu trong việc hỗ trợ khách hàng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc tập trung cho hỗ trợ khởi nghiệp nên tập trung hỗ trợ cải cách để hỗ trợ chi phí và ngân sách nhưng cái quan trọng nhất là cơ chế.
Với phân tích này, bà Nga cho rằng, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp thực sự cần có khung pháp lý để định giá các ý tưởng khởi nghiệp.
Trên một góc độ khác, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ toàn cầu, khởi nghiệp mà đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo sự phát triển bền vững của các quốc gia nói riêng và khu vực nói chung.
Theo ông Đích, để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển và trở thành các doanh nghiệp trưởng thành với đóng góp thiết thực cho nền kinh tế thì cần thiết phải phát triển và hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực của các chủ thể khác, hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm