Một số vấn đề đặt ra trong Huy động nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhưng cũng đang là điểm nghẽn lớn nhất trong hoạt động của doanh nghiệp.
Dược Bảo Châu với sứ mệnh Vì chất lượng cuộc sống / Doanh nghiệp điện đặt mục tiêu tăng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận
Vấn đề đặt ra đối với các nhà quản trị doanh nghiệp khởi nghiệp là làm thế nào để huy động được vốn tối ưu, thu hút các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa và đạt mức tăng trưởng kỳ vọng. Bài viết trao đổi về thực trạng thu hút vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tới.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
2016 là năm Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, hướng đến “Quốc gia khởi nghiệp”. Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó nêu rõ, Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Tháng 06/2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho các hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp ở Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý và hoạt động của các Quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư (NĐT) mạo hiểm, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân…
Ảnh minh họa.
Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển DNNVV, góp phần hoàn thiện khung pháp lý chính thức đối với hoạt động cho vay vốn từ quỹ đối với DN khởi nghiệp…
Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cơ hội đang ngày càng mở rộng cho các DN khởi nghiệp. Thống kê cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. So với năm 2016, số lượng không gian làm việc chung của các DN khởi nghiệp hiện nay tăng hơn 50% với khoảng 70 khu.
Ngoài ra, có hơn 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến một số tên tuổi lớn như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures... Việt Nam cũng có hàng nghìn DN khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động và thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Thời gian gần đây, đã chứng kiến nhiều sự kiện các DN khởi nghiệp kêu gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư, từ đó có được nguồn lực tài chính vững chắc để nâng tầm phát triển. Thống kê cho thấy, năm 2018, có gần 890 triệu USD đã được rót vào các DN khởi nghiệp, cao gấp 3 lần so với năm 2017 trong đó có nhiều thương vụ lớn với quy mô trên 50 triệu USD. Năm 2018 cũng chứng kiến sự cạnh tranh sôi động của các quỹ đầu tư.
Hiện nay, có 3 quỹ nội gồm: 500 Vietnam, Viisa và ESP đang chiếm 60% tổng số thương vụ đầu tư cho các DN khởi nghiệp giai đoạn mới chớm và ươm mầm. Không bỏ lỡ các cơ hội này, nhiều quỹ ngoại cũng đang nhanh chân hơn để nắm bắt các thương vụ gọi vốn lớn. Trong đó, mảng dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ vẫn đang hứa hẹn thu hút nhiều vốn hơn cả.
Trong những tháng đầu năm 2019, hàng triệu USD cũng được đầu tư vào các DN khởi nghiệp Việt, tập trung vào các mảng như: Fintech, du lịch, giáo dục... Cụ thể, Logivan - Công ty công nghệ được mệnh danh là "Uber xe tải" của Việt Nam đã nhận 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Alpha JWC và hai NĐT khác.
Trước đó, Luxstay - start-up với ứng dụng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp đã huy động được 3 triệu USD từ CyberAgent Capital, Y1 Ventures, cùng một số NĐT khác… Đặc biệt, Momo đã gọi vốn thành công vòng 3 từ Warburg Pincus - Công ty quản lý Quỹ đầu tư vốn tư nhân hàng đầu thế giới, với quy mô hơn 50 triệu USD, lớn nhất từ trước tới nay.
Thách thức và giải pháp đặt ra
Có thể thấy, việc đảm bảo nguồn lực tài chính, cụ thể là nguồn vốn thường xuyên cho hoạt động và phát triển của DN là một trong những vấn đề cốt lõi hiện nay của DN khởi nghiệp. Những khó khăn, thách thức nêu trên của DN khởi nghiệp bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, cụ thể:
Thứ nhất, cho đến nay, các thương vụ góp vốn lớn chủ yếu đến từ các NĐT nước ngoài, trong khi các NĐT trong nước vẫn còn khá e dè khi đầu tư vào các DN khởi nghiệp. Nhiều NĐT ở Việt Nam quan tâm đến khởi nghiệp với tâm lý ngại rủi ro. Vì thế, các DN khởi nghiệp ở Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, dù số lượng các quỹ nước ngoài, tập đoàn, NĐT, các hợp đồng đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, nhưng do sức ép bảo toàn vốn cho NĐT nên các quỹ đầu tư quốc tế cũng không dám mạo hiểm rót vốn vào DN khởi nghiệp, chỉ đầu tư một cách nhỏ giọt. Các ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn cho vay vì các DNNVV không có hoặc có ít tài sản đảm bảo, trong khi ngân hàng cũng khó có thể đánh giá được mức độ rủi ro.
Thứ hai, năng lực nội tại của các DN khởi nghiệp hiện nay còn yếu, trong đó các nhà sáng lập DN khởi nghiệp lại chưa tập trung đến tính thực tiễn của mô hình kinh doanh, còn chú trọng quá nhiều đến ý tưởng. Do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc triển khai hoạt động huy động vốn, nên các DN khởi nghiệp không thu hút được sự quan tâm của các NĐT và không trình bày được những giá trị và tiềm năng của dự án kinh doanh trong tương lai. Bên cạnh đó, các DN khởi nghiệp cũng chưa có kỹ năng quản trị nói chung và quản trị tài chính nói riêng, khiến cho các NĐT chưa yên tâm rót vốn.
Việc đảm bảo nguồn lực tài chính thường xuyên để hoạt động và phát triển là một trong những vấn đề cốt lõi cần quan tâm của mỗi DN khởi nghiệp. Từ việc nhận diện những thách thức, khó khăn trên, để giúp DN khởi nghiệp tháo gỡ được những khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư, phát triển trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
Về phía Nhà nước
- Với sự đồng hành của Chính phủ kiến tạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc tạo nhiều cơ chế thông thoáng, ưu tiên sẽ tạo cơ hội để các DN khởi nghiệp tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức khác nhau. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục tạo điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm các thủ tục pháp lý để xây dựng một thị trường vốn dành cho các DN khởi nghiệp.
- Phát huy hiệu quả của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm tạo nguồn vốn chính đáng, kịp thời để DN khởi nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP̉, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng; Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ mới quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới theo quy định của pháp luật; Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay...
- Nhà nước có thể hỗ trợ gián tiếp cho DN khởi nghiệp thông qua các hình thức như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, thực hiện các chính sách khuyến khích như giảm lãi suất, miễn giảm thuế... Ngoài ra, Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các DN khởi nghiệp trong những năm đầu theo các điều kiện đi kèm; Thúc đẩy các DN khởi nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia vào các cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị của DN khi huy động vốn. (Hoàng Thị Hồng, 2018).
Về phía nhà đầu tư
- Cần đa dạng hóa các danh mục đầu tư, không nên chỉ tập trung vốn đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể, NĐT cần xác định rõ thời gian đầu tư cho từng danh mục. Các NĐT cần có chiến lược đầu tư phù hợp theo các giai đoạn phát triển của DN khởi nghiệp; thực hiện thoái vốn một cách linh hoạt để tránh gây tổn thất cho DN, ảnh hưởng đến phần vốn góp của các NĐT khác trong DN, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư.
- Các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn trong việc cung cấp nguồn vốn cho các DN khởi nghiệp. Theo đó, cần chú trọng nghiên cứu thẩm định các dự án có tính khả thi để cho vay. Các ngân hàng cũng có thể dành một nguồn lực tài chính nhất định để xây dựng riêng các quỹ chuyên đầu tư cho các DNNVV khởi nghiệp,
Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp
- DN khởi nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh mang tính khả thi, dài hơi ít nhất trong vòng 3-5 năm cũng như có kế hoạch tài chính rõ ràng để hỗ trợ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do vậy, nhà quản trị DN khởi nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu đầu tiên. Theo đó, bên cạnh kế hoạch kinh doanh, sản phẩm, ý tưởng kinh doanh, DN khởi nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính, dự báo dòng tiền, định giá DN. Kế hoạch tài chính phải có sức thuyết phục để chứng minh được cơ sở của các giả định có trong mô hình, từ đó tạo cơ sở để định giá DN dựa trên các phương pháp định giá hợp lý. DN cần hiểu rõ bài toán thị trường trong khi huy động vốn bởi các NĐT, quỹ mạo hiểm luôn tìm kiếm những DN có tiềm năng phát triển, có lợi nhuận cao và các sản phẩm của DN phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
- Sau khi gọi vốn thành công từ các NĐT, các DN khởi nghiệp cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về vốn, kỹ năng quản trị kinh doanh, kỹ năng quản trị tài chính, định vị chiến lược thị trường… Tuy nhiên, theo Hoàng Thị Hồng (2018), DN khởi nghiệp cần bảo vệ quan điểm của mình để tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào NĐT, dẫn đến bị thâu tóm. Trong quá trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, DN khởi nghiệp cần từng bước lên kế hoạch gọi vốn vòng 2. Trường hợp mức lợi nhuận kỳ vọng khó đạt được để chia cho NĐT theo thỏa thuận ban đầu, DN khởi nghiệp cần có thương lượng và trao đổi với NĐT để thống nhất phương án điều chỉnh kịp thời.
Theo PV/http://tapchitaichinh.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo