Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ bar Airport phải hoàn trả quyền sử dụng đất và bồi thường cho TCty 36

DNVN – Trước tình trạng Công ty An Vượng Á Châu xây dựng không phép để kinh doanh bar, nhà hàng… tại số 6-8 Chùa Bộc (Hà Nội), cản trở quyền kinh doanh của doanh nghiệp khác, mới đây Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN / Doanh nghiệp vẫn cần nhiều nỗ lực của ngành thuế trong cải cách thủ tục hành chính

Như Doanhnghiepvn đã phản ánh trong bài “Doanh nghiệp gặp khó, nghịch cảnh vì chính quyền địa phương buông lỏng quản lý”, Công ty cổ phần An Vượng Á Châu (AVAC, trụ sở tại số 9 Khâm Thiên, HN) sau khi thuê của Công ty cổ phần địa ốc MB (thuộc ngân hàng MB Bank) các khu đất A, khu đất B, khu đất C và tòa nhà Sắc Xuân (phía sau tòa nhà Khách sạn ASEAN tại 6-8 Chùa Bộc) đã tổ chức xây dựng nhiều công trình không phép để kinh doanh nhà hàng, bar Airport Chùa Bộc, bãi trông xe trái phép… Việc làm vi phạm trật tự xây dựng đô thị này của Công ty AVAC diễn ra trong nhiều năm với sự buông lỏng quản lý của UBND phường Quang Trung và UBND quận Đống Đa.
Công ty An Vượng Á Châu tổ chức xây dựng nhiều công trình không phép tại 6-8 Chùa Bộc, HN.

Công ty An Vượng Á Châu tổ chức xây dựng nhiều công trình không phép tại 6-8 Chùa Bộc, HN.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra việc xử lý vi phạm về đất đai tại số 6-8 Chùa Bộc và có biện pháp xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật. CV ngày 8/5/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội “báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 15/6/2020).
Theo tìm hiểu của PV Doanhnghiepvn, lô đất rộng 9.825,7m2 số 6-8 phố Chùa Bộc vốn thuộc quyền sử dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank). Sau đó, MB Bank đã chuyển nhượng tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất cho Tổng công ty 36 – CTCP (TCty 36). Chấp thuận việc chuyển nhượng này, ngày 22/7/2016 UBND TP. Hà Nội đã có QĐ số 4025QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại 6-8 Chùa Bộc từ MB Bank để giao cho TCty 36 thuê. Ngày 15/12/2016, Sở TNMT đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho TCty 36.
Tuy nhiên, khi TCty 36 triển khai dự án xây dựng thì Công ty AVAC không chịu trả lại tài sản và mặt bằng đang chiếm giữ bất hợp pháp. Theo tìm hiểu vụ việc của phóng viên, năm 2014 Công ty cổ phần địa ốc MB (MB Land) có cho Công ty AVAC thuê toàn bộ tài sản hiện hữu trên khu đất A, khu đất B, khu đất C và tòa nhà Sắc Xuân phía sau tòa nhà Khách sạn ASEAN tại 6-8 Chùa Bộc. Theo Hợp đồng số 30/2014/MBLAND-AVAC ký ngày 31/10/2014 thì Công ty AVAC thuê tài sản nhằm kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, hoạt động quán rượu, quầy bar… thời thuê là một năm, sau ngày 31/12/2014 là hết hợp đồng.
Công ty An Vượng Á Châu chiếm giữ bất hợp pháp tài sản của TCty 36 và tổ chức kinh doanh trái phép tại 6-8 Chùa Bộc.

Công ty An Vượng Á Châu chiếm giữ bất hợp pháp tài sản của TCty 36 và tổ chức kinh doanh trái phép tại 6-8 Chùa Bộc.

Tiếp đó, ngày 30/6/2015 Công ty AVAC lại ký hợp đồng thuê tài sản với Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội thuê tòa nhà Sắc Xuân 2 tầng trong khuôn viên khu đất số 6-8 Chùa Bộc; thời hạn hợp đồng là hai tháng chấm dứt vào ngày 30/8/2015.
Các hợp đồng trên sau khi hết hạn đều không được các công ty của MB Bank gia hạn. Như vậy, tính đến thời điểm MB Bank chuyển nhượng tài sản cho TCty 36 thì Công ty AVAC không còn quyền gì đối với những tài sản đã thuê ngoài việc cố ý trây ì không chịu trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Mới đây, Tòa án ND quận Đống Đa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ TCty 36 khởi kiện Công ty AVAC đòi quyền sử dụng đất. Theo Bản án sơ thẩm số 14/2020/DS-ST ngày 5/5/2020, Hội đồng xét xử đã nhận định: “Việc chiếm hữu sử dụng quyền sử dụng đất tại số 6-8 Chùa Bộc, quận Đống Đa, TP Hà Nội của Công ty AVAC là không có căn cứ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của TCty 36”.
Đối với tài sản trên đất của Cty AVAC tại số 6-8 Chùa Bộc gồm có: Bãi xe, dãy nhà cấp 4, khu massage, bể bơi, nhà hàng bò tơ Tài Sanh, vũ trường Airport đều không có giấy phép xây dựng. Mặt khác theo hợp đồng thuê tài sản với MB Land thì Công ty AVAC phải trả lại vô điều kiện tài sản thuê và phần giá phần giá trị tài sản tăng thêm. “Do đó, Công ty AVAC có nghĩa vụ di dời toàn bộ số tài sản xây dựng không phép trả lại mặt bằng cho TCty 36”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội được yêu cầu báo cáo xử lý sai phạm tại bar Airport Chùa Bộc trước 15/6/2020.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội được yêu cầu báo cáo xử lý sai phạm tại bar Airport Chùa Bộc trước 15/6/2020.

Ngoài việc chấp thuận yêu cầu khởi kiện của TCty 36, buộc Công ty AVAC phải hoàn trả toàn bộ quyền sử dụng đất đang chiếm hữu, Tòa án ND quận Đống Đa còn buộc Cty AVAC phải bồi thường cho TCty 36 số tiền hơn 28,7 tỉ đồng. Đây là khoản tiền thuê đất, thuế đất TCty 36 phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước trong thời gian Công ty AVAC chiếm dụng đất của TCty 36.
Linh Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm