Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Nguyễn Văn Thân: Cần những cánh chim đầu đàn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

(DNVN) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, để khối DNNVV phát triển lớn mạnh, rất cần những cánh chim “đầu đàn” dẫn dắt.

Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu / Thủ tướng: Quản lý làm sao để DNNN phát triển xứng tầm

Ý kiến tranh luận này được nêu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Tân Hiệp Phát tổ chức ngày 22/11 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, DNNVV nước ta hiện chiếm 98%, nhưng ở các nước khác như: Đức, Nhật, Mỹ... tỷ lệ này là 99%. Vai trò của DNNVV là đa ngành, tất cả các lĩnh vực, nên ổn định nền kinh tế vĩ mô của khối doanh nghiệp này rất quan trọng. Những doanh nghiệp nhỏ nếu kết nối với các doanh nghiệp lớn sẽ phát triển kinh khủng, còn nếu đi một mình sẽ khó.
Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”. (Ảnh: ANTĐ)

Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”. (Ảnh: ANTĐ)

DNNVV thiếu đủ thứ và để giúp khối doanh nghiệp này, 5 kỳ họp Quốc hội gần đây đều dành nhiều thời gian bàn về cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cơ chế là một chuyện, quan trọng nhất là DN phải có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khả thi mới có thể “gặp nhau”.
Để khối doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh, rất cần những doanh nghiệp “đầu đàn”. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn những tấm gương đó để noi theo. Đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội cần có những hội thảo giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI, để nhân dân hiểu, và thấy được những tích cực, những điều mà các doanh nghiệp đang làm được.
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp tư nhân, nhất là DNNVV đang vướng trong câu chuyện không muốn lớn và không thể lớn.
Về vấn đề vì sao DN không thể lớn, bà Trần Uyên Phương dẫn thống kê của thế giới cho biết, các doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu hình thành có tỷ lệ 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tiếp tục phát triển doanh nghiệp lên 15, 20 năm. Do vậy, số doanh nghiệp hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm.
Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp muốn lớn cũng không dễ gì lớn được vì lý do nguồn lực, năng lực và sự đào thải khắc nghiệt của thời gian.
Về khía cạnh DN không muốn lớn, theo lãnh đạo Tân Hiệp Phát, có yếu tố doanh nghiệp … sợ lớn. “Doanh nghiệp nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của các doanh nghiệp cũng như của chính chúng tôi, bởi đột phá nào cũng có rủi ro”.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, muốn doanh nghiệp lớn lên, mấu chốt nhất là phải quản lý được nguồn lực con người.
Nếu chủ doanh nghiệp thực sự là người có năng lực lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội bứt phá. Một doanh nghiệp muốn lớn phải có cả 2 điều kiện, nội lực và môi trường, đặc biệt là môi trường chính sách.
Chính doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình sức đề kháng để “chống lại bệnh tật” của môi trường kinh doanh. Khi có nhiều doanh nghiệp có nội lực vững và liêm chính, được phát triển trong môi trường kinh doanh liêm chính, ở đó sẽ nuôi dưỡng khát vọng lớn lên, và không phải đặt vấn đề là doanh nghiệp không muốn lớn hay không thể lớn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm