Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Quốc hội: Cần quan tâm tới kiến nghị của doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNVN - Cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ IX của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần quan tâm tới những kiến nghị của doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng sẽ trực tiếp đưa ra cam kết với doanh nghiệp tại "Hội nghị Diên Hồng" / DN càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 càng cao

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nói, dự thảo báo cáo mới chỉ nhắc một cách mờ nhạt về ý kiến của người dân về khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở dịch vụ, hộ buôn bán nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn, phải đóng cửa sản xuất. Bởi vậy, dự thảo báo cáo phải tổng hợp được những kiến nghị của họ. Doanh nghiệp gặp khó khăn rất mong nhà nước tháo gỡ, giải quyết thủ tục hành chính để họ phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh chóng sau dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)
“Tôi biết ngày mai có hội nghị rất lớn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp để triệu tập các doanh nghiệp, các thành phần đến để đưa ra những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế nhanh. Vấn đề là người ta muốn giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay vướng rất nhiều từ cấp phòng, cấp sở lên tới cấp bộ, lên tới Chính phủ, rất nhiều việc chưa giải quyết được cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhắc tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu thông tin từ hội nghị này để bổ sung thêm vào dự thảo báo cáo về những tiếng nói của doanh nghiệp, người dân.
Liên quan đến gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, những đối tượng được hỗ trợ kịp thời là những đối tượng đã rất rõ, địa phương theo dõi được. Đó là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, những đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng chính sách hằng tháng. Nhưng còn một số nhóm đối tượng khác, như doanh nghiệp bị ảnh hưởng, lao động tự do không có hợp đồng lao động bị mất việc làm… thì vẫn chưa được tiếp cận với chính sách này.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói, để phục vụ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 diễn ra vào sáng 09/5, các cơ quan, tổ chức đã tổng hợp được 100 kiến nghị từ doanh nghiệp, trong đó có kiến nghị liên quan đến những gói hỗ trợ theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được. Doanh nghiệp mong muốn sớm được tiếp cận với những gói hỗ trợ này.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng nêu phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp ngừng, giãn, không hoạt động tăng tới 33,6% trong 4 tháng đầu năm.
“Nhưng cũng xin bổ sung thêm thông tin về tình hình thành lập doanh nghiệp mới là “tâm lý cầm chừng” cho nên thành lập doanh nghiệp mới giảm tới 47%, tức là giảm một nửa, số lượng cũng giảm và quy mô vốn đăng ký thành lập mới của các doanh nghiệp cũng giảm”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm