Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Tập trung tháo gỡ khó khăn để khơi thông dòng chảy đầu tư
Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Chính quyền kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp / Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải thưởng riêng cho Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Xúc tiến đầu trực tuyến trong tình hình dịch bệnh
Ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã cấp phép cho 19 dự án với tổng mức đầu tư 12.815,8 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 4 dự án, có vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đang là “thỏi nam châm” hút nhà đầu thư của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Văn phòng Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá các chương trình, các sản phẩm đặc trưng trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Tính đến hết tháng 6/2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 324 doanh nghiệp (giảm 13,6% so với cùng kỳ), đạt 40,5% kế hoạch; Tổng số vốn đăng ký là 2.619,825 tỷ đồng (giảm 48,8% so với cùng kỳ).
Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Vui cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ đổi mới hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, ứng dụng hình thức xúc tiến trực tuyến, hoàn thiện dự án chấp thuận chủ trương sẵn sàng kêu gọi đầu tư; Thành lập tổ công tác xúc tiến doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản để bổ sung nguồn thu cho địa phương.
“Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được thông qua đến với cộng đồng doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt ưu tiên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen quản lý, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh”, Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Khơi thông dòng chảy đầu tư
Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến phân tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở KH&ĐT chủ động rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Cảng Chân Mây cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, mặc dù đã rất nỗ lực, tạo điều kiện trong việc kêu gọi đầu tư, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc như công tác phối hợp giữa các ngành, thủ tục hành chính, quy trình vận hành… Vì vậy, cần phải tăng cường phối hợp, tiến hành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cụ thể, đi sâu vào thực trạng, vấn đề đang vướng mắc để tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng chảy đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở KH&ĐT tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.
“Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội. Trong đó, cán bộ Sở KH&ĐT là lực lượng chủ công, phải am hiểu, bám việc, tập trung vào các điểm vướng mắc để giải quyết triệt để trong thời gian tới”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo