Hỗ trợ doanh nghiệp

Chứng nhận BIS của Ấn Độ và những lưu ý với doanh nghiệp Việt

DNVN - Ngày 26/4, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã hợp tác với Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ tổ chức hội thảo về quy định, quy trình và thủ tục cấp giấy chứng nhận BIS đối với các nhà sản xuất nước ngoài.

Khẩn trương gỡ vướng về pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn / Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu, 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh

Tại sự kiện, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại tại Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giấy chứng nhận BIS (là giấy chứng nhận bắt buộc đối với nhà sản xuất cả trong và ngoài nước để sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ) do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cấp.
Danh sách này ngày càng mở rộng và hiện một số mặt hàng như hóa chất, đồ chơi, thép, giày dép, lốp xe, sợi tổng hợp... bắt buộc phải có chứng nhận BIS và là các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang Ấn Độ.

Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại tại Ấn Độ.
Hai diễn giả của chương trình là ông S. Venkatesh và ông P. Deshick, công tác tại Phòng Chứng nhận các nhà sản xuất nước ngoài (FMCD) thuộc Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ, đã trực tiếp cấp giấy chứng nhận BIS cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Hai diễn giả đã trình bày chi tiết về các thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký BIS, các trường hợp bị từ chối đơn, khảo sát thực tế tại nhà máy...
Để được cấp giấy chứng nhận BIS, nhà sản xuất cần chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ từ doanh nghiệp, BIS sẽ chỉ định chuyên gia đến kiểm tra tại cơ sở sản xuất. Chuyến kiểm tra này sẽ đánh giá các yếu tố như cơ sở sản xuất, vệ sinh (trong trường hợp sản phẩm là thực phẩm), cơ sở thử nghiệm và nhân viên kiểm soát chất lượng. Nếu đánh giá đạt yêu cầu, các mẫu sẽ được lấy để kiểm tra độc lập. Người nộp đơn sẽ phải chi trả các chi phí liên quan đến vận chuyển và thủ tục hải quan.

Đại diện Phòng Chứng nhận các nhà sản xuất nước ngoài (FMCD) thuộc Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ chia sẻ về giấy chứng nhận BIS.
Một yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải có người đại diện được ủy quyền ở Ấn Độ (AIR). AIR phải là người Ấn Độ và chỉ đại diện cho một công ty sản xuất, không đại diện cho nhà sản xuất nước ngoài khác theo các chương trình đánh giá sự phù hợp của BIS. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà sản xuất nước ngoài thuộc cùng một nhóm công ty và nhà nhập khẩu (có liên quan đến nhà sản xuất nước ngoài) được chỉ định là AIR, hạn chế này sẽ không được áp dụng.
Vấn đề về ngân hàng bảo lãnh cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Theo quy định, sau khi được cấp giấy chứng nhận BIS, nhà sản xuất phải có bảo lãnh ngân hàng mức 10.000 USD tại các ngân hàng có chi nhánh cả ở cả Việt Nam và Ấn Độ như HDFC, DBS, Citibank, Standard Chartered.
Giấy phép BIS sẽ có thời hạn 1 hoặc 2 năm khi đăng ký lần đầu. Sau đó, doanh nghiệp có thể nộp đơn gia hạn tối đa 5 năm, dựa trên kết quả hoạt động của giấy phép. Để được gia hạn, doanh nghiệp cần nộp đơn ít nhất 3 tháng trước khi giấy phép hết hạn.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm