Hỗ trợ doanh nghiệp

Đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp

DNVN - Phát biểu tại “Hội nghị Công bố và kết nối trang vàng giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp”, sáng 25/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, từ năm 2023, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ tập trung vào hướng dẫn chuyên sâu, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số.

Hệ thống máy STM do KienlongBank và Unicloud hợp tác sản xuất gây ấn tượng mạnh tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2022 / Xu hướng chuyển đổi số mở ra nhiều triển vọng hợp tác cho doanh nghiệp Việt - Nhật

Thời gian qua, Chính phủ luôn xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ ưu tiên quan trọng hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh phù hợp với xu thế mới, tình hình mới; đồng thời đây cũng là nhân tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số và kế hoạch hành động để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tổ chức, cá nhân.

Phát biểu tại “Hội nghị Công bố và kết nối trang vàng giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, ngay từ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

“Giai đoạn đầu (2021-2022), chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức và đào tạo các kiến thức, kỹ năng nền tảng về chuyển đổi số, kết nối cung cầu trong chuyển đổi số. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2023, chương trình sẽ tập trung vào hướng dẫn chuyên sâu, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số”, ông Đông nói.

Thứ trưởng Trần Duy Đông. Ảnh: Hà Anh.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông qua dự án LinkSME, chương trình đã được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn quốc và nhận được sự ủng hộ đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp.

Đã có hơn 2 triệu lượt tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số; hàng ngàn doanh nghiệp tại gần 40 tỉnh, thành phố được đào tạo, tập huấn; hơn 200 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về lộ trình chuyển đổi số.

Sau 2 năm triển khai chương trình, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số như chi phí đầu tư, nguồn nhân lực, thông tin còn hạn chế.

Theo các ấn phẩm “Báo cáo thường niên về chuyển đổi số trong doanh nghiệp” năm 2021 và năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có hơn 40% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh một trong những khó khăn chính là thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể lựa chọn được giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp mình.

“Để tháo gỡ khó khăn này, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp cùng với các chuyên gia độc lập của USAID và LinkSME tiến hành rà soát, đánh giá và phân loại các giải pháp chuyển đổi số phổ biến tại Việt Nam”, ông Đông cho biết.

Cũng tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố ấn phẩm “Trang vàng các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp” với hơn 50 giải pháp chuyển đổi số hiện hành.

Ấn phẩm này cung cấp những thông tin hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp tham khảo, lựa chọn được các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp mình, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm