Tháo gỡ thách thức, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư
Công nghệ đóng gói, bao bì hút các nhà đầu tư nước ngoài. / Cơ hội nào cho nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hàng không Việt Nam?
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.
Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiếu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.
Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.
Những yếu tố quyết định này là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên - khi chúng ta có những yếu tố này thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả hơn.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía”, Thủ tướng nói.
Cách đây hơn nửa năm, vào tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI.
Khi đó, hai bên đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành trên cơ sở niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành từ cả hai phía; từ đó thống nhất các giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục hợp tác hiệu quả và đang tiếp tục thành công.
Tiếp tục tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, các cơ quan đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và Chính phủ.
Thủ tướng đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ…
Thủ tướng đề nghị đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất kiến nghị cụ thể với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở, trách nhiệm trên nguyên tắc "khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành.
Tinh thần là, xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải nghiêm túc, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngay sau hội nghị sẽ ban hành một văn bản phù hợp để thống nhất triển khai thực hiện.
"Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo