Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch "oằn mình" trong bão Covid-19

DNVN - Ngành du lịch là một trong những ngày đứng mũi chịu sào trong cơn bão Covid-19. Đã hơn 1 năm kể từ ngày chuyến bay thương mại quốc tế cuối cùng cất cánh, ngành du lịch quốc tế cũng vì thế mà đóng băng hoàn toàn. Kéo theo một loạt doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ rơi vào tình cảnh khó khăn chưa biết ngày nào kết thúc.

Người tiêu dùng Thái Lan thêm cơ hội mua hàng Việt Nam chất lượng cao / Dự báo thị trường hàng không Việt Nam bắt đầu hồi phục lại từ giữa quý III

Trong buổi báo cáo tình hình kinh tế xã hội mới công bố, Tổng cục Thống kê cho biết số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là gần 1,2 triệu người - tăng 87.000 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là 2,62% - tăng 0,2% so với quý trước. Số thanh niên từ 15 - 24 tuổi thất nghiệp trong quý II là hơn 389.000 người, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp.

Tuy không có con số cụ thể nhưng có thể ước lượng được rằng số lao động thất nghiệp phần đông nằm trong ngành dịch vụ khi hầu hết những ngày dịch vụ đều đang đứng trước khó khăn chưa bao giờ thấy kể từ khi làn sóng thứ 3 và thứ 4 của Covid-19 ập tới trong năm 2021. Nếu như trong năm 2020, các doanh nghiệp vẫn còn nguồn tiền tích lũy từ năm phát triển ngoạn mục 2019, thì sang tới năm 2021, các doanh nghiệp hầu như đã cạn tiền dự trữ và kiệt quệ, không thể tiếp tục duy trì hỗ trợ đối với người lao động.

Ngành du lịch chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà nước

Ngành du lịch là một trong những ngày đứng mũi chịu sào trong cơn bão Covid-19. Đã hơn 1 năm kể từ ngày chuyến bay thương mại quốc tế cuối cùng cất cánh, ngành du lịch quốc tế cũng vì thế mà đóng băng hoàn toàn. Chị Diệu Hà, một nhân sự du lịch đã gắn bó hơn 10 năm với nghề chia sẻ “Tôi rất yêu nghề và muốn bám trụ tới cùng, nhưng thật sự rất khó khăn. Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước vì công ty du lịch không được xếp vào đối tượng hỗ trợ, do không phải doanh nghiệp sản xuất. Công ty cũng đã đóng cửa suốt từ đầu năm tới nay. Hơn nữa, tôi đã ngoài 30, việc chuyển sang một nghề khác gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các bạn trẻ, tôi lại không có kinh nghiệm nào khác ngoài ngành du lịch. Tôi hy vọng cuối năm nay khi việc tiêm chủng đạt được miễn dịch cộng đồng, du lịch sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tôi cũng chưa biết nếu qua năm sau tình hình vẫn như vậy thì tôi sẽ phải chuyển hướng gì để tiếp tục duy trì cuộc sống”

Những chiếc xe nằm bãi cũng đồng nghĩa với lái xe, phụ xe thất nghiệp và chủ xe không có doanh thu

Những chiếc xe nằm bãi cũng đồng nghĩa với lái xe, phụ xe thất nghiệp và chủ xe không có doanh thu.

Anh Quốc Chiến, lái xe du lịch 45 chỗ cũng là một trong rất nhiều lao động ngành dịch vụ đang loay hoay tìm công việc để chống chọi qua mùa dịch, khi trên vai anh còn là gánh nặng của gia đình với 2 đứa con đang tuổi ăn học. Công ty vẫn cố gắng hỗ trợ anh 30% lương để anh tới kiểm tra, chạy xe cho đỡ hỏng, nhưng đối với nghề lái xe du lịch, ngay cả trước đây, lương chỉ là một phần, một phần lớn đến từ thưởng do doanh thu. Nhưng nay, xe đã nằm bãi hàng tháng trời, phơi mưa nắng hỏng hóc, khách cũng không có nên anh cũng không kỳ vọng gì hơn. Anh thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp khác, hiện thất nghiệp phải đi chạy xe ôm hoặc làm các công việc lao động chân tay khác qua ngày.

Nỗi lo thiếu nhân lực hậu Covid-19

Người lao động khó một phần thì các chủ doanh nghiệp còn khó gấp mười lần. Không giống như người lao động có thể đi tìm công việc khác, các giám đốc công ty lữ hành, chủ nhà hàng, chủ đội xe cảm thấy kiệt sức khi gắng gượng duy trì kinh doanh khi hết đợt dịch này lại tới đợt dịch khác. Không giấu nổi vẻ mệt mỏi, chị Thái Hà, Giám đốc công ty lữ hành quốc tế chia sẻ, công ty chị đã cắt giảm tới 80% nhân sự, chỉ duy trì lại một số nhân lực cốt cán để làm lực lượng nòng cốt khi quay trở lại, công ty vẫn tiếp tục duy trì túc tắc các sản phẩm nội địa, voucher dịch vụ nhưng thật sự không kham nổi nếu như cho tới hết năm nay tình hình vẫn không có diễn biến gì mới. Các nhân viên của chị cũng tỏ ra mệt mỏi và chán nản khi nguồn thu nhập không đủ để duy trì cuộc sống và nhận thức rõ sự dễ bị tổn thương của ngành, nên cũng nhiều bạn muốn chuyển hẳn sang ngành khác. Chị nhận thấy nhân sự sẽ trở thành vấn đề then chốt khi mở cửa trở lại bởi nhân sự ngành đã giảm tương đối, để khôi phục lại lực lượng có trình độ sẽ rất mất thời gian, trong khi đó thu nhập ngành cũng giảm làm cho ngành không còn hấp dẫn trong mắt các bạn trẻ nữa.

Nằm trong chuỗi ngành dịch vụ, có thể thấy rõ nhất sự khó khăn của các chủ nhà hàng, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, viết “khắc nhập khắc xuất” đóng cửa, rồi lại mở cửa rồi lại đóng liên tục càng làm cho việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ở một số địa phương như Đà Nẵng, Hưng Yên nhà hàng vừa được phép mở được 1 tuần lại có ca nhiễm cộng đồng mới, ngay lập tức nhà hàng lại quay về mô hình bán mang về, nhân viên gọi lên làm việc được 2 3 ngày lại hết việc. Các quyết định dừng hoạt động của nhà hàng cũng gây khó khăn với lượng thực phẩm dự trữ, cũng như vận chuyên của các nhà hàng. Để duy trì được chất lượng dịch vụ, và giữ chân khách hàng trong khi lại phải gồng gánh thêm các chi phí mặt bằng, nhân sự khiến các chủ nhà hàng thật sự cảm thấy kiệt quệ.

 

Các nhà hàng cố duy trì dưới hình thức bán mang về để giữ khách hàng

Các nhà hàng cố duy trì dưới hình thức bán mang về để giữ khách hàng.

Khi thông tin về việc sẽ áp dụng hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc mang lại những tia sáng cuối đường hầm cho những người làm du lịch và dịch vụ, song họ vẫn biết rằng ngày trạng thái bình thường của ngành sẽ vẫn còn xa, ít nhất cho tới hết năm nay. Và những gánh nặng về kinh tế, việc làm vẫn tiếp tục đè lên vai từng ngày, từng giờ. Điều duy nhất mọi người mong chờ hiện nay là việc tiêm vaccine sẽ được triển khai nhanh, và sớm và cũng có điều kiện để tiếp cận với vaccine, mau chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm