Hỗ trợ doanh nghiệp

Còn nhiều quy định chưa phù hợp trong Dự thảo nghị định về môi trường trình Chính phủ

DNVN - Nguồn tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Dự thảo mới nhất Nghị định về môi trường mà Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét ban hành vẫn tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết theo chỉ đạo trước đó của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

13 Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục họp về 7 nhóm vấn đề môi trường / 11 Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét bất cập tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

Tại cuộc họp với 15 Hiệp hội (ngày 18/10/2021), Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (Bộ TN&MT) Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Ban soạn thảo dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định về môi trường)sửa đổi 7 nhóm vấn đề cho 4 nội dung lớn (cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng).
Tuy nhiên, trong bản dự thảo mới nhất mà Bộ TN&MT trình Chính phủ để xem xét ban hành, ngoài một số vấn đề đã được giải quyết, vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số Hiệp hội DN về Dự thảo Nghị định về môi trường vào sáng 18/10

Do đó, ngày 8/11/2021, 12 Hiệp hội ngành hàng đã gửi văn bản tới Thủ tướng Phạm Minh Chính tha thiết đề nghị Thủ tướng xem xét góp ý của các Hiệp hội và mong Văn phòng Chính phủ tổ chức một buổi đối thoại để làm rõ và giải quyết các vướng mắc, quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Các Hiệp hội khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan xem xét nội dung dự thảo theo nguyên tắc Nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.
Đề nghị Bộ Tư pháp rà soát, kiểm tra lại những nội dung sửa đổi của Ban soạn thảo để đánh giá xem Dự thảo cuối đã đáp ứng yêu cầu nêu trong báo cáo thẩm định ngày 6/10/2021 của Bộ Tư pháp hay chưa, hoặc có thêm điểm mới nào chưa phù hợp.
Dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại công văn số 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021: “Đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”, cũng như các Nghị quyết của Chính phủ để không làm tăng thêm quy định hành chính và thủ tục hành chính đối với DN.
Nguồn tin từ VASEP cho biết, Dự thảo mới nhất trình Chính phủ, Ban soạn thảo đã sửa một số điểm, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, quan ngại nan giải của nhiều ngành hàng. Trong đó, các Hiệp hội cho rằng cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và hoạt động của DN.
Ví dụ như quy định ngành ô tô - xe máy phải thu gom là bất khả thi vì pháp luật quy định ô tô - xe máy là tài sản cá nhân không được xâm phạm. Không có nước nào trên thế giới yêu cầu như dự thảo hay quy định hồ sơ đăng ký tổ chức đủ điều kiện tái chế, thực hiện tái chế là tăng thêm thủ tục hành chính, không đúng Luật ban hành, văn bản quy phạm pháp luật là cấp Bộ không được quy định thủ tục hành chính. Yêu cầu bên được ủy quyền tái chế phải được ít nhất 3 nhà sản xuất đồng ý ủy quyền là hạn chế điều kiện kinh doanh, vi phạm Điều 7 của Luật Đầu tư, và hạn chế tái chế, thay vì khuyến khích tái chế…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP góp ý kiến đối vớiDự thảo Nghị định về môi trường, sáng18/10

Các Hiệp hội cho rằng, dự thảo đã bỏ Văn phòng EPR (EPR là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) nhưng lại thay bằng Văn phòng giúp việc cho Hội đồng EPR là không phù hợp vì không có trong Luật. Các nước trong khu vực cũng không làm như vậy. Do đó, cần bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR hay bất kỳ văn phòng nào tương tự của nhà nước. Nhiệm vụ quản lý tái chế giao cho một cơ quan chuyên môn của Bộ. Có thể khuyến khích các Hiệp hội thành lập văn phòng EPR để hỗ trợ nhà nước quản lý tái chế.
Quy định ngành chế biến thủy sản là có nguy cơ với môi trường là không hợp lý, do nước thải ngành chế biến thủy sản cũng có các chỉ tiêu tương tự như nước thải sinh hoạt, hay của nhiều ngành chế biến thực phẩm khác như sữa, bánh kẹo mà các ngành này đều không thuộc loại có nguy cơ với môi trường. Hay so với ngành giết mổ gia súc từ 1.000 con/ngày là lớn, nếu giết mổ bò Úc 500 - 1.000kg/con thì là 182.000 - 365.000 tấn/năm mới là lớn, còn ngành chế biến thủy sản 20.000 tấn/năm đã bị coi là lớn là rất bất hợp lý. Do vậy, Ban soạn thảo cần phải điều chỉnh quy định với ngành thủy sản cho phù hợp.
Lộ trình hạn chế nhựa sử dụng một lần chưa phù hợp, chưa có danh mục cụ thể như thông lệ quốc tế đang làm, sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân mà tác dụng lên môi trường lại không đáng kể (các loại dây truyền dịch dùng 1 lần, bơm tiêm dùng 1 lần kể cả bơm tiêm vaccine COVID-19, chai thuốc dùng 1 lần, ống hút sữa cho trẻ em gắn liền với bịch sữa sẽ bị cấm dùng từ 1/1/2026 tại nhiều địa điểm), như vậy là vì một con chuột mà ném vỡ cả chồng bát. Do đó, cần phải có danh mục hạn chế cụ thể chứ không cấm tràn lan như trong dự thảo.
Dự thảo mới đã công nhận tiền đóng góp tái chế chỉ được dùng cho mục đích tái chế, đúng theo Luật định và theo góp ý, nhưng vẫn còn hai tồn tại khác là dễ tạo cơ chế xin - cho và mâu thuẫn với các quy định về chi phí quản lý hành chính của nhà nước.
Quy định tiền lãi ngân hàng của đóng góp tái chế được dùng để chi trả chi phí quản lý hành chính là không phù hợp, dễ được hiểu là toàn bộ tiền lãi sẽ được dùng chi trả cho mục đích này, mâu thuẫn với các quy định về chi phí quản lý hành chính của nhà nước nên cần sửa lại là: “Chi phí quản lý hành chính được trích từ tiền lãi ngân hàng”.
Dự thảo trình Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường vẫn còn một số tồn tại về chồng lắp, không phù hợp, thậm chí ngoài Luật, và chưa có quy định rõ ràng về thời điểm thực hiện cấp thủ tục online nên cần rà soát lại các thủ tục cấp phép, quy định rõ ràng về thời điểm phải thực hiện cấp thủ tục online.
Thêm vào đó, các điều 145 - 148 của Dự thảo làm tăng thêm thủ tục hành chính khi quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận nhãn sinh thái Việt nam căn cứ kết quả thử nghiệm sản phẩm của các tổ chức thử nghiệm đáp ứng quy định tại Điều 149. Theo thông lệ quốc tế, cơ quan kiểm tra chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải là cơ quan độc lập, chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, qui tắc đã ban hành, không gắn với quyền lực nhà nước. Vì thế đề nghị giao các tổ chức thử nghiệm tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam hoặc khuyến khích hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng xây dựng cộng đồng sản xuất sản phẩm sinh thái với tiêu chuẩn sinh thái, qui tắc ứng xử nội bộ và nhãn sản phẩm sinh thái phù hợp với ngành hàng. Để sản phẩm sinh thái có sức sống trên thị trường, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm sinh thái.
Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Hiệp hội kiến nghị áp dụng quản lý rủi ro và kinh nghiệm quốc tế không thu đóng góp tài chính với bao bì, sản phẩm có giá trị thương mại và vật liệu thân thiện với môi trường (như bao bì và sản phẩm từ giấy, kim loại), mà tập trung yêu cầu đóng góp tài chính để xử lý bao bì, sản phẩm không có giá trị thương mại. Giảm mức đóng góp cho nhựa tái sinh sản xuất ở Việt nam để khuyến khích kinh tế tuần hoàn.
Bổ sung hướng dẫn về việc xây dựng và ban hành quy trình thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để có cơ sở cho việc triển khai sau khi Nghị định ban hành, đặc biệt với một số loại bao bì đặc thù như bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đề nghị bỏ các quy định về giới hạn doanh thu với các đối tượng phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải để việc bảo vệ môi trường được công bằng và hiệu quả hơn vì mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nếu vẫn giữ giới hạn này để hỗ trợ DN nhỏ trong thời gian đầu, cần quy định lộ trình thực hiện trong Nghị định.
Dự thảo đã lùi thời gian thực hiện trách nhiệm tái chế đến 01/01/2024. Tuy nhiên, các hiệp hội cho rằng, điều này vẫn chưa phù hợp với thực tiễn do việc đầu tư xây dựng, nghiên cứu công nghệ để hoàn thiện một nhà máy xử lý tái chế cũng cần khoảng thời gian ít nhất từ 2-3 năm, và trong tình hình đại dịch COVID-19 như hiện nay càng lâu hơn nữa. Do đó, các Hiệp hội đề nghị lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 01/2025.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm