Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu góp ý của 12 Hiệp hội
DNVN - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của 12 Hiệp hội ngành hàng liên quan đến nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
13 Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục họp về 7 nhóm vấn đề môi trường / Cần Thơ: Từng bước khôi phục du lịch sinh thái, thích ứng và an toàn
Ngày 23/10, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn hỏa tốc tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Dự thảo).
Theo công văn, 11 Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam có văn bản góp ý, kiến nghị một số nội dung lớn tại Dự thảo.
Về việc này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của các Hiệp hội liên quan đến nội dung của Dự thảo theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Công văn số 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 11/10/2021, 11 Hiệp hội ngành hàng đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Văn phòng Chính phủ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghiệp; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về một số nội dung lớn tại Dự thảo.
Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp cho biết, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã có những tiếp thu và chỉ đạo hoàn thiện sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Dự thảo cho 4 nội dung lớn (cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng) tại cuộc họp với các Hiệp hội ngày 18/10/2021.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong cuộc họp sáng 18/10/2021, mặc dù thời gian rất gấp rút nhưng đã có 5 đại diện của các hiệp hội tham gia làm việc trực tiếp với Ban soạn thảo ngay vào buổi chiều 18/10/2021. Tại buổi làm việc, các bên đã tạm nhất trí về hướng thực hiện một số vấn đề theo chỉ đạo của Bộ Trưởng, chờ Ban Soạn thảo đưa ra phương án cụ thể để rà soát chi tiết. Tuy nhiên, theo đại diện các hiệp hội, vẫn còn một số vấn đề Ban soạn thảo chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.
Đơn cử như chưa có áp dụng quản lý rủi ro cho những sản phẩm có giá trị dễ thu gom như giấy, nhôm, kim loại. Do đó, 13 Hiệp hội đề nghị điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc cho những sản phẩm này bằng 1/4 mức hiện nay. Doanh thu từ việc bán sản phẩm sau tái chế cần được cấn trừ vào chi phí tái chế khi xác định định mức tái chế.
Các Hiệp hội cũng đề nghị tính hệ số Fs cho nhựa tái sinh sản xuất trong nước chỉ bằng 10% nhựa thông thường để khuyến khích DN chuyển sang sử dụng nhựa tái sinh...
Cho rằng Dự thảo có tầm quan trọng vì liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, các Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo Ban soạn thảo hoàn thiện đầy đủ Dự thảo theo đúng những nội dung đã được Bộ trưởng tiếp thu và chỉ đạo tại cuộc họp sáng ngày 18/10/2021. Các Hiệp hội cũng đề nghị Bộ trưởng chủ trì thêm một cuộc họp giữa Ban soạn thảo và các Hiệp hội để hoàn thiện tốt nhất Dự thảo như chỉ đạo của Bộ trưởng, để Việt Nam có được một Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh.
11 Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam kiến nghị một số nội dung lớn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nămm 2020 gồm: Hiệp hội Chế biến và xuất VASEP đã cùng 10 Hiệp hội doanh nghiệp khác là: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM). |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo