Hỗ trợ doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị 10 giải pháp khôi phục kinh tế

DNVN - Cho rằng năm 2022 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất 10 giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra.

Lâm Đồng: Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp / VNG rót 22,5 triệu USD vào nền tảng hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Gần 120.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên phiên cấp cao với chủ đề Phục hồi & Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới diễn ra tại Hà Nội sáng 21/2, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh VBF khẳng định, sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI đã kịp thời thay đổi trạng thái của nền kinh tế, giúp nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.

Chủ tịch VCCI cho rằng, sự chủ động của doanh nghiệp đã góp phần thay đổi trạng thái nền kinh tế.
Chủ tịch VCCI cũng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã rất cố gắng, rất kiên cường vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, góp sức cùng cả nước ứng phó thành công với đại dịch và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nói rõ hơn về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký VCCI dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp do VCCI thực hiện năm 2021 cho biết, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 chỉ đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7%. Trong khi đó, có tới 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.
Theo Tổng Thư ký VCCI, năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch COVID-19 lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã thâm nhập vào Việt Nam. Tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, với những biến động khó lường. Do vậy, kinh tế thế giới dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng không vững chắc.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nhanh chóng có các biện pháp chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phục hồi và phát triển nền kinh tế. Một loạt chuyển động chính sách quan trọng đã diễn ra trên thực tế, như giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%, mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2024...
Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn
Cộng đồng doanh nghiệp trong nước ủng hộ và thống nhất cao các trọng tâm điều hành chính sách của Chính phủ trong năm 2022. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp trong nước, VCCI đưa ra 10 kiến nghị.
Đó là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận thông tin. Các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện.

Tổng thư ký VCCI kiến nghị 10 giải pháp khôi phục và phát triển vững chắc nền kinh tế.
Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu. Cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ.
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia: Đối với chuyên gia nước ngoài: Đề nghị Bộ, ngành rà soát quy trình đối với thủ tục nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài theo hướng: áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục... Chính sách đối với chuyên gia nước ngoài cần thống nhất thực hiện giữa các địa phương trên toàn quốc.
Các cơ quan chức năng cần xây dựng các bộ công cụ hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài một cách rõ ràng và công bố công khai để doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Chính quyền các địa phương cũng cần có các giải pháp truyền thông để trấn an tâm lý lo ngại dịch bệnh ở đại đa số người lao động hiện nay, qua đó giúp họ an tâm quay lại doanh nghiệp làm việc.
Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việt Nam cần có các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI chuyển dịch. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Cần đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 ở hầu hết các thủ tục hành chính. Tiến tới mục tiêu giải quyết hoàn toàn các thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân trên môi trường mạng.
Cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương để củng cố niềm tin cho cộng đồng kinh doanh và người dân. Chính phủ thường xuyên nắm bắt và chỉ đạo địa phương trong triển khai chính sách, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về các chính sách trong quá trình thực hiện để kịp thời xử lý các bất cập trong các chính sách, quy định...
Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.
Xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số...
Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”. Cần có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc (ví dụ: có thể tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm theo tuần. Cần có sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung.
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số lĩnh vực TTHC còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm