Hỗ trợ doanh nghiệp

Công nghệ lạc hậu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

(DNVN) - Doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhờ chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề công nghệ lạc hậu là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tham gia chuỗi giá trị này.

Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu / Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bùng nổ như kỳ vọng của Chính phủ

Đây là nhận định của một số lãnh đạo các doanh nghiệp được nêu ra tại Hội thảo: “Sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu: Cơ hội và thách thức” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Hiện nay, Việt Nam luôn là một trong những nước nằm trong nhóm những nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao trên thế giới. Năm 2017, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) có 2 nhóm hàng là nhóm điện thoại các loại và linh kiện; nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục đứng đầu trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp phần cứng, điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin là trên 28.000 doanh nghiệp; tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 91,6 tỷ USD (tăng 35% so với năm 2016), trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 81,6 tỷ USD, phần mềm đạt 3,8 tỷ USD, dịch vụ đạt 5,4 tỷ USD, nội dung số 800 triệu USD; xuất khẩu đạt hơn 78,9 tỷ USD.

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ TT-TT) cho rằng, trong các năm qua nhà nước đã có nhiều chủ trương tập trung, chú trọng phát triển giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thế nhưng, doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều tồn tại đáng lưu ý như thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho khách hàng có thị trường toàn cầu cũng như sản xuất các sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý.

Không chỉ thế, một thực tại đáng lo ngại là các doanh nghiệp CNTT còn thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng sản phẩm làm ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện tại. Đây là lý do tại sao các doanh nghiệp FDI vẫn phải “kéo theo” các doanh nghiệp vệ tinh khi hoạt động, sản xuất tại Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Trí - Tổng Ciám đốc Công ty CP 4P Electronics cho rằng, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ thiếu đồng bộ, lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạng đầu tư, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến trong sản xuất nên chưa có khả năng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về giá thành, chất lượng.

Xét về tầm quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Trí cho rằng, cần phải tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Để nâng cao hiệu quả trong đối với các doanh nghiệp CNTT Việt, cần phải nỗ lực đẩy mạnh chuyên môn hóa các chức năng gia công lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp như hiện nay

Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ thiếu đồng bộ, lạc hậu

Chẳng hạn như tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Nên có quy định tối giản về pháp luật trong kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kế toán, thuế, giảm bớt các quy định hành chính.

Không chỉ thế, đối với các doanh nghiệp CNTT Việt, cần phải nỗ lực đẩy mạnh chuyên môn hóa các chức năng gia công lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp như hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm cách tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hóa và tham gia vào những chức năng đem lại giá trị cao hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một thực trạng đang diễn ra là nhiều tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam chưa chú trọng đầu tư, phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Để cải thiện vấn đề này cần sửa đổi những bất cập liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, có cơ chế chuyển giao hợp tác trong hoạt động nghiên cứu – phát triển của các doanh nghiệp FDI.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm