COVID-19 "bào mòn" doanh nghiệp Việt: Đừng để chết rồi mới cứu!
Vinamilk công bố đối tác liên doanh tại Phillipines, sản phẩm thương mại sẽ lên kệ vào tháng 9/2021 / Doanh nhân Hoàng Bảo Châu "Tay trắng lập cơ đồ" bứt phá mọi giới hạn thành công
Dòng tiền được ví như dòng máu đối với "sức khỏe" của doanh nghiệp. Sau gần 2 năm trời gắng gượng để vượt qua đại dịch, "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn.
Những món nợ ngân hàng, dù được giãn, hoãn thời gian trả nợ, nhưng vẫn treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp có vay mượn từ ngân hàng. Dịch bệnh đã kéo dài gần 2 năm nay, chưa biết đến bao giờ mới lắng xuống, kết thúc. Dù đã cắt giảm tối đa, nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn cần phải duy trì, lương cho người lao động vẫn cần được trả… Nếu không có dòng tiền, chắc chắn sự đổ vỡ, đứt gãy là điều dễ xảy ra.
“Khi ngân hàng giúp doanh nghiệp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ để đảm bảo rằng, doanh nghiệp vẫn giữ được một lượng tiền nhất định duy trì sự tồn tại thì khi đại dịch qua đi mới có hy vọng phát triển”, Phó Tổng giám đốc DNP Nguyễn Thế Minh cho biết.
Việc sửa đổi Thông tư 03 về giãn, hoãn, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng doanh nghiệp cũng đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến. Dù hầu hết số nợ của các doanh nghiệp trong gần 2 năm nay, các ngân hàng sẽ không thu hồi được về và tương lai sẽ trở thành nợ xấu, nỗi ám ảnh của cả hệ thống tín dụng, nhưng việc tiếp tục kéo dài thời gian trả nợ cho doanh nghiệp là biện pháp cần thiết trong lúc dịch bệnh đang hoành hành.
Sau gần 2 năm trời gắng gượng để vượt qua đại dịch, "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi cũng sẽ phải điều chỉnh lại Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng tích cực hơn rõ ràng hơn cả về thời điểm cũng như kéo dài thời hạn tái cơ cấu các khoản nợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên rất cần sự phối hợp của các Bộ ngành”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.
Việc sớm sửa đổi chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp càng được thực thi rốt ráo, càng như liều thuốc bổ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp. "Đừng để doanh nghiệp chết rồi mới cứu", đó cũng là khuyến nghị của nhiều doanh nghiệp.
“Chúng ta phải có một cơ chế xây dựng chính sách với một cơ chế đặc biệt trước tình hình chưa có tiền lệ, cũng như chưa xác định được thời điểm kết thúc khi đó chúng ta mới có thể có nội dung Thông tư phù hợp với tình hình thực tiền”,Phó Tổng giám đốc DNP Nguyễn Thế Minh đề xuất.
Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng gượng để tồn tại, họ cũng phải nuôi hàng trăm, hàng nghìn người lao động. Do đó, dòng tiền lúc này như là "máy trợ thở" cho doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy, quyết sách về việc khoanh nợ, giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ và tiếp tục cho vay mới cũng không nên để lâu và kéo dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo