Đà Nẵng: Cam kết tiếp tục dành nguồn lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đà Nẵng: Dự trữ nguồn hàng thiết yếu khoảng 2.000 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán / Xúc tiến du lịch golf: Cơ hội để Đà Nẵng và miền Trung phục hồi du lịch
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với các biến chủng mới lan rộng toàn cầu và trong phạm vi cả nước, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, các quy định liên quan đến cách ly khác nhau giữa các địa phương và các quốc gia, tâm lý du khách lo ngại và hạn chế đi du lịch… đã làm sụt giảm mạnh lượng khách đến TP.
Ngành du lịch Đà Nẵng đề ra 2 kịch bản khôi phục trong năm 2022.
Mặt khác, sự thay đổi về xu hướng, thị hiếu của du khách đòi hỏi sự đổi mới về hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ để kịp thời đáp ứng nhu cầu. Sự cạnh tranh thu hút khách với các điểm đến trong nước đang được đầu tư rất mạnh như Phú Quốc, Quảng Ninh, Bình Định... Và các điểm đến quốc tế như Phuket, Bali... cũng tạo thêm nhiều áp lực đối với ngành du lịch Đà Nẵng khi bước vào năm 2022.
Trong bối cảnh đó, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và người lao động đang gặp phải. Lãnh đạo TP đánh giá cao và biểu dương Sở Du lịch đã tích cực, nỗ lực cùng các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động tham mưu cho UBND TP triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp linh hoạt, đổi mới sáng tạo để từng bước khôi phục hoạt động du lịch.
Tuy nhiên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành du lịch TP cần nhận diện một số mặt hạn chế cũng như những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài trong thời gian tới để sớm có các giải pháp phù hợp. Trong đó, ông Trần Phước Sơn cho rằng, mặc dù được Thủ tướng phê duyệt là một trong 5 địa phương thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, nhưng kết quả thực hiện tại Đà Nẵng trong thời gian qua chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo ông Trần Phước Sơn, khó khăn lớn hiện nay là nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cạn kiệt, nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt; chưa có cơ chế đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch về đêm; khả năng cạnh tranh điểm đến trong nước và quốc tế của Đà Nẵng vẫn cần tiếp tục được cải thiện.
“Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch tuy đã được đầu tư tương đối đồng bộ song vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu sự đầu tư để Đà Nẵng là điểm đến của nhiều sự kiện, lễ hội quốc tế hơn nữa. Việc triển khai các dự án trọng điểm về du lịch vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ so với yêu cầu, cần được quan tâm tháo gỡ!” – Phó Chủ tịch. UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn phát biểu tại hội nghị.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch TP dự kiến 2 kịch bản cho khôi phục trong năm 2022. Kịch bản 1 phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 180 ngàn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).
Kịch bản 2, lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt, tăng 87,8% so với năm 2021. Khách quốc tế ước đạt 100 ngàn lượt (tương đương năm 2021) và khách nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, tăng 2 lần so với ước thực hiện năm 2021.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn đề nghị ngành du lịch TP tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “chủ động - thích ứng - linh hoạt”, bảo đảm an toàn phòng chống dịch và hiệu quả kinh doanh. Chú trọng khai thác thị trường khách nội địa, tổ chức các Chương trình kích cầu du lịch. Tích cực tìm kiếm các nguồn khách để triển khai có hiệu quả Phương án thí điểm đón và phục vụ khách du lịch quốc tế.
“Sở Du lịch cần theo dõi chặt chẽ kết quả đón khách quốc tế thí điểm để kịp thời tham mưu UBND TP định hướng, giải pháp phù hợp với tình hình mới. Tập trung công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến Đà Nẵng. Ưu tiên xúc tiến mở lại các đường bay quốc tế trực tiếp tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và một số thị trường mới. Xúc tiến khai thác loại hình du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực. Tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á (Routes Asia) 2022…” – Ông Trần Phước Sơn yêu cầu.
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành du lịch TP tổ chức rà soát các chương trình, đề án về phát triển du lịch đã được UBND TP ban hành để tập trung triển khai thực hiện. Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về du lịch. Phát triển du lịch đường thủy. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch…
“Về phía lãnh đạo TP, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ và dành nguồn lực nhất định cho mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Căn cứ Quy chế làm việc, định kỳ hàng quý, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án du lịch để kịp thời có giải pháp chỉ đạo” – Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc