Đà Nẵng: Không thể “đổ lỗi” hàng hóa qua Cảng sụt giảm do cấm xe tải trọng lớn giờ cao điểm
Đà Nẵng: Khởi công dự án công nghệ cao 35 triệu USD của Nhật Bản / Người dân đi lại giữa vùng không có dịch của Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2
Luồng hàng hải không được nạo vét gây ảnh hưởng nghiêm trọng
Như tin đã đưa, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng vừa có Công văn số 832/CVHHĐN-PC gửi Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo số liệu thống kê tháng 9/2021 tại khu vực cảng biển Đà Nẵng, trong đó nêu rõ “Tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng trong 9 tháng năm 2021 giảm so với cùng kỳ là điều chưa từng xảy ra trong những năm trở lại đây!”
Từ ngày 5/8 đến nay, TP Đà Nẵng tạm thời cho phép các xe tải trọng lớn lưu thông 24/24h trên trục đường ra Cảng Đà Nẵng chứ không cấm hoạt động trong giờ cao điểm.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, đây là dấu hiệu chứng tỏ diễn biến của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sản lượng hàng hóa và vận tải biển khu vực cảng biển Đà Nẵng. Đồng thời Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc tuyến luồng hàng hải Đà Nẵng đã không được nạo vét kể từ năm 2016 đến nay đã gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải lớn vào cập cảng, làm hàng.
“Nhận thấy đây là vấn đề thật sự nghiêm trọng, trong quý 1/2021, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã nỗ lực tiến hành các bước để đẩy nhanh tính khả thi của việc thực hiện nạo vét luồng hàng hải trong năm 2021. Bộ GTVT đã duyệt dự toán triển khai dự án. Dự kiến sau khi luồng được nạo vét thì khả năng tiếp nhận tàu lớn sẽ tăng” – Ông Nguyễn Văn Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, cũng theo Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, các dự án thiết lập khu neo cho tàu 5.000 DWT, dự án khu neo chờ cầu, đợi luồng kết hợp tránh bão cho tàu thuyền tại vịnh Đà Nẵng khi hoàn thành sẽ làm tăng sức hút của cảng biển Đà Nẵng đến các hàng tàu, vận tải biển trong khu vực cũng như trên thế giới.
Lệnh cấm theo giờ gây khó khăn?
Tuy nhiên, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho biết, hạ tầng phía sau cảng biển cũng đang là vấn đề nghiêm trọng còn tồn tại của khu vực cảng biển Đà Nẵng. Việc hạ tầng sau cảng không có đường sắt, hàng hóa phải luân chuyển bằng đường bộ trên xe container, xe tải có tải trọng lớn, kèm theo lệnh cấm theo giờ đối với các phương tiện này vô hình chung đã gây khó khăn lớn cho việc hàng hóa được luân chuyển nhanh chóng, đúng thời gian quy định.
Thực tế cho thấy, từ lúc lệnh cấm nêu trên có hiệu lực thì việc các xe container, xe tải tập trung số lượng lớn tại khu vực chân cầu Tiên Sơn trước khi hết giờ cấm từ 15 – 20 phút, sau đó chạy nối đuôi nhau với vận tốc lớn đến các khu vực cảng trên đường Yết Kiêu càng làm cho tình hình giao thông trở nên mất an toàn nghiêm trọng hơn.
Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng Nguyễn Văn Thanh cho hay, qua xem xét tình hình thực tế, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng nhận thấy cần cân nhắc việc thiết lập các trạm điều phối giao thông, tăng cường camera giám sát… thay vì duy trì lệnh cấm đường theo giờ như hiện nay. Tránh hiện tượng các xe tải, xe container lớn tranh nhau chạy với tốc độ cao liên tục xảy ra trên trục đường dẫn ra khu vực cảng biển Đà Nẵng.
Không cấm xe tải trọng lớn hoạt động giờ cao điểm
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam ngày 26/10, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho hay, Sở không nhận được Công văn số 832/CVHHĐN-PC của Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng nên không nắm rõ nội dung mà đơn vị này báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Lê Văn Trung, nếu Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng quy trách nhiệm “gây khó khăn lớn cho việc hàng hóa luân chuyển nhanh chóng, đúng thời gian quy định, đúng mong muốn của chủ tàu, chủ hàng tàu và chủ hàng” do quy định của TP là không chính xác và không phản ánh đúng thực tế.
Thực tế là trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 4864/UBND-SGTVT (ngày 3/8/2021) thống nhất chủ trương từ ngày 5/8/2021 tạm thời cho phép các loại xe sơmi rơmoóc, xe kéo rơmoóc được lưu thông 24/24h trên trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng nhấn mạnh, việc UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương như nêu trên nhằm giúp giải phóng lượng hàng hóa ùn ứ tại Cảng Đà Nẵng, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa ra, vào Cảng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
“Hiện chủ trương của UBND TP Đà Nẵng theo Công văn 4864/UBND-SGTVT ngày 3/8/2021 vẫn đang tiếp tục duy trì chứ chưa áp dụng trở lại việc cấm theo giờ đối với xe container, xe tải có tải trọng lớn. Do vậy không thể đổ lỗi việc hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Đà Nẵng thời gian qua bị sụt giảm là do quy định cấm xe tải trọng lớn hoạt động giờ cao điểm để đảm bảo an toàn giao thông!” – Ông Lê Văn Trung nói.
Tiếp tục tạo điều kiện lưu thông hàng hóa qua Cảng
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Đà Nẵng, sau khi UBND TP ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 28/9 thì số phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn đang tăng trở lại. Tuy nhiên hiện lưu lượng tham gia giao thông chưa đạt mức 50% như trước đây.
Do đó, trên cơ sở đề xuất của Ban ATGT TP, UBND TP Đà Nẵng vừa có Công văn Công văn 6983/UBND-BATGT (ngày 14/10) chỉ đạo một số vấn đề nhằm tiếp tục tạo điều kiện từng bước khôi phục và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và lưu thông hàng hóa qua Cảng, vừa bảo đảm trật tự ATGT trên trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn.
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT phối hợp với Công an TP, UBND quận Sơn Trà, UBND quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục theo dõi tình hình giao thông trên trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn, kịp thời báo cáo đề xuất UBND TP thời điểm triển khai lại chủ trương cấm các loại xe sơmi rơmoóc, xe kéo rơmoóc lưu thông giờ cao điểm (từ 16h30 đến 20h).
Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Công ty CP Cảng Đà Nẵng thông báo, yêu cầu lái xe các đơn vị vận tải tham gia vận chuyển hàng hóa qua Cảng phải nghiêm túc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, lưu thông theo đúng làn đường, đúng tốc độ quy định, giữ khoảng cách an toàn.
Công ty CP Cảng Đà Nẵng cũng được yêu cầu cử người theo dõi tình hình lưu thông, trật tự ATGT trên tuyến, chủ động điều tiết lưu lượng xe chở hàng hóa qua Cảng, tránh tình trạng xe tập trung lưu thông số lượng lớn, nhất là vào giờ cao điểm; kiểm tra, đảm bảo các xe lưu thông đúng quy định và phối hợp với các ngành, địa phương kịp thời xử lý các phát sinh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo