Đà Nẵng: Nhận diện các doanh nghiệp đang duy trì được hoạt động trước tác động của đại dịch
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Bổ sung 2 khu đất lớn ở trung tâm thành phố đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021
Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cho hay, qua khảo sát mới đây của cơ quan này cho thấy, trước tác động của dịch COVID-19 và những biện pháp mạnh của chính quyền TP Đà Nẵng để phòng, chống dịch, đã có 41,73% doanh nghiệp (DN) hội viên đang phải tạm ngừng hoạt động; 1,44% DN hội viên đã ngừng hoạt động chờ giải thể. Bên cạnh đó có 56,83% hội viên VCCI Đà Nẵng cho biết đang nỗ lực duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Tiến Quang: Trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19 thì các DN ở Đà Nẵng vẫn duy trì được hoạt động là các đơn vị có lĩnh vực hoạt động thuận lợi hơn, có đơn hàng, được phép hoạt động… Qua khảo sát, hội viên trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh có tỷ lệ duy trì hoạt động cao nhất với 37,97%. Một số lĩnh vực như CNTT, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất giấy… có tỷ lệ duy trì hoạt động 21,52%. Vận tải, kho bãi có tỷ lệ DN hội viên duy trì hoạt động kinh doanh cao tiếp theo với tỷ lệ là 12,66%.
PV: Những yếu tố nào giúp các DN nêu trên vẫn duy trì được hoạt động trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp?
Ông Nguyễn Tiến Quang: Yếu tố giúp duy trì hoạt động được nhiều DN hội viên tham gia khảo sát lựa chọn nhất là “DN có các đơn hàng để sản xuất, cung cấp cần thực hiện” với tỷ lệ 60,76%; tiếp theo là “Sự đồng lòng, chia sẻ của lực lượng lao động” với 53,16%. Các hội viên cũng chủ động áp dụng công nghệ và thương mại điện tử để có thể duy trì hoạt động trong mùa dịch, tỷ lệ lựa chọn yếu tố này là 35,44%...
Có thể thấy sự cố gắng của DN là yếu tố chính giúp DN duy trì được hoạt động. Khi hỏi về các hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền cho DN hoạt động thì có 32,91% DN hội viên chọn trả lời “Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất an toàn trong mùa dịch”, xếp thứ 5/8 yếu tố giúp DN hội viên VCCI Đà Nẵng duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.
PV: Mục tiêu chính của các DN duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Quang: Kết quả khảo sát ghi nhận hai mục tiêu chính thúc đẩy DN cố gắng duy trì hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh. Đó là: duy trì được khách hàng thông qua việc hoàn thành đơn hàng với tỷ lệ 82,28% hội viên lựa chọn và bảo đảm được lực lượng lao động của DN với 58,23% hội viên lựa chọn.
Đây không chỉ là những mục tiêu lợi ích của DN mà với việc cố gắng duy trì được việc làm cho người lao động cũng có nghĩa DN góp phần đảm bảo sinh kế, cùng chính quyền TP bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc duy trì khách hàng là tiền đề, cơ sở quan trọng giúp DN nhanh chóng phục hồi khi đã khống chế dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép để tăng trưởng kinh tế.
PV: Công suất hoạt động của các DN đang cố gắng duy trì trong tình hình dịch bệnh hiện nay?
Ông Nguyễn Tiến Quang: Tuy cố gắng duy trì hoạt động nhưng công suất của các DN hội viên thấp hơn so với bình thường. Có 27,85% DN hội viên tham gia khảo sát cho biết công suất hoạt động hiện nay từ 50% đến dưới 60%. Có 25,32% hội viên được hỏi cho biết công suất từ 25% - 50%. Có 6,33% hội viên được hỏi cho biết hoạt động dưới 25%. Tỷ lệ DN hội viên có công suất hoạt động 60 - 80% là 20,25%. Khoảng 18,99% hội viên được hỏi cho biết công suất hoạt động hiện nay đạt từ 80% đến dưới 100%.
Điểm tích cực là tuy tình hình khó khăn, công suất giảm nhưng phần lớn DN hội viên VCCI Đà Nẵng không chọn giải pháp cắt giảm lao động. Có 41,77% DN hội viên không cắt giảm lao động, chỉ giảm lương, giảm giờ làm, bố trí lao động sản xuất luân phiên. Có 39,24% hội viên cho biết vẫn duy trì số lượng và các điều kiện phúc lợi cho lao động như cũ và có 17,72% DN hội viên phải cắt giảm lực lượng lao động.
PV: Doanh thu dự kiến trong năm 2021 của các DN đang duy trì hoạt động như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Quang: Với khó khăn nhiều mặt trong sản xuất kinh doanh hiện nay, doanh thu dự kiến năm 2021 của DN sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Có 88,6% DN hội viên dự kiến doanh thu sẽ giảm so với năm 2020, nhiều nhất là “giảm từ 25% đến dưới 50%” với tỷ lệ 45,57%; tiếp đến là “giảm dưới 25%” với 22,78%. Có đến 20,25% DN được hỏi cho biết doanh thu sẽ giảm trên 50%. Bên cạnh đó cũng có 5,07% DN hội viên trong các lĩnh vực thiết bị y tế, CNTT, kinh doanh hàng thiết yếu… hoạt động hiệu quả, dự kiến doanh thu tăng so với năm 2020.
PV: Các DN đang duy trì hoạt động lựa chọn mô hình như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Quang: Theo các quy định về phòng chống dịch bệnh của TP Đà Nẵng, các DN muốn duy trì hoạt động phải thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo quy định, hoạt động theo các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn... Qua khảo sát, mô hình được nhiều DN hội viên áp dụng nhất là “3 tại chỗ” với tỷ lệ 36,71%; tiếp đến là phương án “1 cung đường – 2 địa điểm” với tỷ lệ 27,85%.
Có 25,31% DN hội viên được hỏi cho biết họ áp dụng linh hoạt các phương án sản xuất theo điều kiện của DN nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch, như kết hợp “3 tại chỗ” với làm việc tại nhà (work from home – WFH), “3 tại chỗ” kết hợp với giao khoán việc, khoán sản phẩm để người lao động nhận về nhà làm, WFH… Có thể những mô hình áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng DN này là các phương án mà TP Đà Nẵng cần xem xét, khuyến khích để DN áp dụng trong bối cảnh chung sống lâu dài với dịch bệnh.
PV: Với tình hình dịch bệnh hiện nay thì các DN dự kiến sẽ duy trì hoạt động trong bao lâu?
Ông Nguyễn Tiến Quang: Khi được hỏi thì có 62,03% DN hội viên cho biết, với điều kiện như hiện nay chỉ có thể duy trì hoạt động dưới 6 tháng. Trong đó tỷ lệ cho biết sẽ duy trì hoạt động từ 3 đến 6 tháng là cao nhất với 29,11%; có 7,6% DN đã cạn nguồn lực và chỉ có thể duy trì hoạt động dưới 1 tháng.
Khi được hỏi về khả năng phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể nếu TP Đà Nẵng kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như Chỉ thị 16/TTg trở lên thì có đến 68,35% DN hội viên cho biết có khả năng sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Trong đó có 40,5% DN hội viên được hỏi cho biết nguy cơ tạm dừng hoạt động hoặc giải thể là cao và rất cao.
PV: Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo