Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian, thu hẹp phạm vi giãn cách phòng, chống dịch

DNVN - Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cho hay, qua khảo sát, các doanh nghiệp hội viên VCCI Đà Nẵng kiến nghị việc rút ngắn thời gian, thu hẹp phạm vi thực hiện giãn cách cần được xem là tiêu chí quan trọng trong thực thi các chính sách phòng chống dịch bệnh nhằm giảm mức thấp nhất DN phải dừng hoạt động.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Sơ tán dân tránh bão số 5 phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch

Khả năng ứng phó dịch bệnh cũng là năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương

Như tin đã đưa, vào ngày 24/9 tới, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP trong thời gian tới.

Mặc dù đều đã là "quận xanh" và nằm liền kề nhau nhưng giữa hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đến nay vẫn chưa liên thông!

Mặc dù đều đã là "quận xanh" và nằm liền kề nhau nhưng giữa hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đến nay vẫn chưa liên thông.

Để chuẩn bị cho hội nghị này, từ ngày 28/8 đến 10/9 là thời gian TP Đà Nẵng áp dụng chủ trương "ai ở đâu thì ở đó", Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) đã tiến hành cuộc khảo sát nhằm đánh giá nhanh tình trạng hoạt động của các DN hội viên, tìm hiểu thực tế khó khăn của hội viên và những mong muốn của hội viên về chính sách hỗ trợ của chính quyền đối với DN.

Ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay, qua khảo sát cho thấy, trước tác động của dịch bệnh COVID-19 và những mặt trái của việc thực thi các chính sách, giải pháp giãn cách nhằm phòng chống dịch bệnh của chính quyền TP thì sức chống chịu của DN Đà Nẵng đã cạn kiệt. Do vậy rất cần có chiến lược, kịch bản sống chung an toàn với dịch bệnh.

“Cộng đồng DN mong chờ, kỳ vọng vào chiến lược tổng thể phòng chống dịch bệnh gắn với sống chung an toàn, phục hồi DN, phục hồi kinh tế để họ chủ động xây dựng, thực thi chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình. Trong bối cảnh đại dịch thì năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương không chỉ là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính thuận lợi mà khả năng ứng phó với dịch bệnh cũng được cộng đồng DN, các nhà đầu tư rất quan tâm!” – Ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Theo đó, các DN hội viên VCCI Đà Nẵng kiến nghị không nên cào bằng việc ưu tiên hỗ trợ DN duy trì hoạt động trong lúc thực hiện giãn cách. Những vùng nào, DN nào có thể duy trì sản xuất kinh doanh an toàn thì tạo điều kiện tối đa cho họ hoạt động, thậm chí tăng công suất hơn lúc không có dịch bệnh để bù đắp cho những vùng, những DN không sản xuất kinh doanh được do phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang nhấn mạnh: “Theo kiến nghị của cộng đồng DN, việc rút ngắn thời gian thực hiện giãn cách, thu hẹp phạm vi thực hiện giãn cách cần được xem là tiêu chí quan trọng trong thực hiện các chính sách phòng chống dịch bệnh nhằm giảm mức thấp nhất DN phải dừng hoạt động trong lúc thực hiện giãn cách!”.

Chính sách và hiệu quả

Ghi nhận của VCCI Đà Nẵng qua khảo sát cũng cho thấy, cộng đồng DN kiến nghị chính quyền địa phương cần xem vấn đề bảo đảm an sinh xã hội là ưu tiên trong dịch bệnh. Theo đó, cần xem việc duy trì, tạo điều kiện cho cộng đồng DN hoạt động là một phần để thực hiện chiến lược bảo đảm an sinh xã hội, vì cộng đồng kinh doanh là nơi tạo ra việc làm, tạo thu nhập lớn nhất cho người dân.

Cùng với đó, việc bảo đảm chuỗi cung ứng thiết yếu đối với đời sống của người dân và duy trì hoạt động của cộng đồng DN cần được ưu tiên, đồng thời xác định cộng đồng DN là bộ phận quan trọng trong thiết lập các chuỗi cung ứng này. Cần xây dựng, thiết lập các chuỗi cung ứng hàng hóa đối với đời sống cũng như hoạt động của DN, giảm thiểu thấp nhất đứt gãy chuỗi cung ứng trong điều kiện thực hiện các cấp độ của giãn cách trong phòng chống dịch bệnh.

Đối với việc ban hành, thực thi chính sách của chính quyền các cấp nhằm hỗ trợ hồi phục DN, hồi phục kinh tế, cộng đồng DN Đà Nẵng cho rằng cần giảm thiểu thủ tục hành chính để gia tăng tính thực thi, tính khả thi, hiệu quả của chính sách. Tránh trình trạng ban hành nhiều chính sách nhưng không khả thi và thực thi được và gây phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách của nhà nước.

“Thà ban hành ít chính sách mà thực hiện hiệu quả, người dân, cộng đồng DN được thụ hưởng thật sự, còn hơn ban hành nhiều chính sách nhưng việc tiếp cận, thụ hưởng của người dân, doanh nghiệp hạn chế. Cần áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và nguyên tắc hậu kiểm khi soạn thảo và ban hành các văn bản phòng chống dịch!” – Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang nói.

Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện Công điện của Bộ Y tế về phạm vi giãn cách nhỏ nhất

Trước đó,nhưDoanh nghiệp Việt Namđã đưa tin, ngày 18/9, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có Thông báo số 502/TB-VP kết luận của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND TP văn bản triển khai Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9 của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về “phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…)”.

Tiếp đó, ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục có Công điện 1436/CĐ-BYT yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT, quyết định việc nới lỏng giãn cách theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước chắc chắn.

Tuy nhiên cho đến nay ngành y tế Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra phương án tham mưu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Do vậy, tại cuộc họp chiều qua 21/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng tiếp tục yêu cầu Sở Y tế sớm tham mưu UBND TP Đà Nẵng thực hiện Công điện 1409CĐ-BYT và Công điện 1436/CĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm