Hỗ trợ doanh nghiệp

Đắk Lắk: Trao Giấy chứng nhận đầu tư Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 1500 tỷ đồng

DNVN – Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk có tổng diện tích đất 200ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, là liên doanh hợp tác nằm trong chuỗi chiến lược phát triển của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus.

Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đầu tư Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Nông / 1.250 con heo giống đi chuyên cơ riêng từ Canada về Việt Nam

Sáng ngày 28/4, tại TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Hội nghị có sự tham dự của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Đình Trung - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk; ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Đại sứ quán Hàn Quốc, các hiệp hội và hàng trăm nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Với chủ đề: “Thu hút đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, hội nghị nhằm giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản tỉnh Đắk Lắk.

Đồng thời, tạo diễn đàn cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triển. Thu hút đa dạng hóa các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, cho biết, địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, du lịch sinh thái, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia.

 

Ông Vũ Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải), nhận Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk.

Ông Vũ Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải), nhận Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk.

Ông Phạm Ngọc Nghị cũng đã thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp danh mục các dự án, khu vực thu hút đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh Đắk Lắk với 109 dự án thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, chế biến nông, lâm thủy sản, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến mong muốn Đắk Lắk và các nhà đầu tư vào nông nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ.

 

Đó là, triển khai có hiệu quả các nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh, hàng năm đề xuất danh mục các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đối tác chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk.

Toàn cảnh Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk (DHN Đắk Lắk) với tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là 200ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dự án là liên doanh hợp tác nằm trong chuỗi chiến lược phát triển của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn.

 

Đây là dự án thứ 3 trong tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín, từ việc chọn lọc, sản xuất heo giống, nhà máy giết mổ heo tự động, cho đến sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ và sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra nguồn cung cấp nhanh chóng, tin cậy giống heo chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong chiến lược dài hạn, De Heus và Hùng Nhơn cũng hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Đắk Lắk và các vùng phụ cận. Dự án còn tạo ra cơ hội việc làm cho gần 300 người dân tộc thiểu số tại địa phương, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Ông Gabor Fluit phát biểu tại Hội nghị.

Ông Gabor Fluit phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022, ông Gabor Fluit đã có bài phát biểu đánh giá về tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Đắk Lắk. Đồng thời, đưa ra cam kết đầu tư với mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam.

 

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm