Hỗ trợ doanh nghiệp

Xu hướng chuyển đổi số mở ra nhiều triển vọng hợp tác cho doanh nghiệp Việt - Nhật

DNVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các xu hướng mới của kinh tế thế giới như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng... đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hợp tác.

Bán thạch dừa tại hơn 20 quốc gia, một doanh nghiệp đang giúp tiêu thụ tới 6 triệu lít nước dừa Bến Tre mỗi năm / Đà Nẵng: Giảm tiền sử dụng hạ tầng KCN cho hơn 300 doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản ngày 24/8 tại Tokyo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các xu hướng mới của kinh tế thế giới, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh chuyển đổi số, tái sắp xếp và chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng bao trùm, đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho DN Việt Nam và Nhật Bản phát huy tối đa lợi thế bổ sung cho nhau để tăng cường liên kết và kết nối kinh tế chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại diễn đàn.
Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam luôn cam kết ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư, tập đoàn, DN Nhật Bản đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ luôn hỗ trợ các DN Nhật Bản cũng như thu hút đầu tư Nhật Bản với chất lượng cao hơn, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các DN, nhà đầu tư Nhật Bản nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Shigetoshi Aoyama - Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, qua khảo sát của JETRO, có trên 55% DN Nhật Bản muốn đầu tư trở lại Việt Nam trong hai năm tới và tỷ lệ này ở Việt Nam hiện dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Do đó, sự kiện là cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và góp phần cho sự thúc đẩy hoạt động của các DN Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Kunihiko Hirabayashi - Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) bày tỏ quyết tâm của tổ chức này trong việc thúc đẩy các luồng đầu tư trực tiếp bền vững từ Nhật Bản ra nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông Kunihiko Hirabayashi mong muốn các DN Nhật Bản sẽ chia sẻ với các DN Việt Nam những công nghệ tiên tiến để cùng nhau xây dựng các hệ thống kinh tế tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững với môi trường.
Tại diễn đàn, các DN Việt Nam và Nhật Bản đã giới thiệu về năng lực và nêu các đề xuất hợp tác mới. Trong đó, các DN Việt Nam gợi ý phối hợp lắp và vận hành các dự án điện gió cùng DN Nhật Bản; gia công cho các DN Nhật Bản các sản phẩm bản mạch điện tử. Các DN cũng bày tỏ mong muốn hợp tác sâu sắc hơn với các DN Nhật Bản về nguồn nguyên liệu dinh dưỡng chất lượng cao từ Nhật Bản, phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam trong tương lai...

Hơn 150 đại diện từ DN, các cơ quan, tổ chức Việt Nam - Nhật Bản tham dự diễn đàn.
Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme đã nêu một số đề xuất về việc sản xuất điện năng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, phát triển thị trường cho các sản phẩm enzyme… Các DN cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các cơ chế về điện áp mái, sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch điện 8, hoàn thiện cơ chế ban hành mua bán điện trực tiếp…
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định các ý kiến đã nêu được mong muốn và tiềm năng hợp tác, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các DN Việt Nam và Nhật Bản để hiện thực hoá các nội dung đề ra.
Việt Nam có định hướng rất rõ ràng trong 10-15 năm tới sẽ tập trung tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung chế biến sâu về nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp nền tảng. Đây là những lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các DN Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam có chủ trương tiếp tục củng cố phát triển thương mại truyền thống thông qua chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi trong khi Nhật Bản có ưu thế rất tốt để tập trung khai thác hạ tầng thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Việt Nam cần hợp tác với Nhật Bản để kiểm soát các hoạt động thương mại lành mạnh, công bằng, chống trốn thuế, chống hàng giả. Trong chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP 26 sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước nên đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng để phát triển hợp lý các lĩnh vực điện sinh khối, điện khí…
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm