Hỗ trợ doanh nghiệp

Dệt may thời kinh tế số: Khi bị trả lại, hàng hóa không còn giá "đô" nữa

DNVN - Trong bối cảnh hội nhập, ngành dệt may Việt Nam được hưởng rất nhiều lợi thế. Song, nếu có lợi thế mà không thực hiện tốt các yêu cầu của đối tác thì tất cả các đơn hàng sẽ bị yêu cầu trả lại. Và khi bị trả lại thì hàng hóa không còn giá "đô" nữa, chỉ còn giá Việt Nam ở mức rất thấp.

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Singapore / Bộ TT & TT cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp lớn

Tại Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Viện Kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) tổ chức vào sáng 09/7 tại Hà Nội, các chuyên gia đều có chung nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhắc đến với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, IoT (Internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo). Theo đó, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu hàng tồn kho.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ in 3D trong sản xuất cho phép tạo ra sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu người dùng và giảm lãng phí cho nhà sản xuất, tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao. Qua đó, giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định.
Tuy nhiên, những thách thức với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là không hề nhỏ. Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Kinh tế số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết: Bản thân dệt may Việt Nam từ xưa đã nổi tiếng nhưng đến nay hội nhập quốc tế thì chúng ta phải định hình lại theo thời kinh tế số, theo chuẩn để quốc tế chấp nhận hàng hóa của mình một cách nhanh nhất.
Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Kinh tế số.

Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Kinh tế số.

"Kinh tế số có thể hỗ trợ rất tốt cho ngành dệt may cơ cấu lại nguồn lại, cơ cấu lại chất lượng sản phẩm, và đặc biệt là tư duy con người. Nếu chủ DN không thay đổi tư duy thì không thể bắt kịp hội nhập quốc tế cho dù DN đó sản xuất rất tốt. Nhiều tập đoàn sản xuất tốt, giá rẻ nhưng không bán được. Đấy là do chưa áp dụng công nghệ mới, chưa dùng sức cộng đồng, chưa dùng cái mới nhất của nguồn lực từ bên ngoài", bà Thanh nhận định.
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Kinh tế số, ngoài việc Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn nhưng bản thân DN phải chủ động tìm kiếm và áp dụng công nghệ mới, nhất là về đào tạo. Nếu DN không chuyển đổi tư duy thì cho dù được Chính phủ hỗ trợ, trong thời đại kinh tế số và công nghệ 4.0 DN rất khó thành công trong các hợp đồng với đối tác nước ngoài.
"Với dệt may, lợi thế của chúng ta rất lớn khi Việt Nam hội nhập. Có lợi thế hội nhập mà không thực hiện tốt các yêu cầu của đối tác thì tất cả các đơn hàng sẽ bị yêu cầu trả lại. Và khi bị trả lại thì hàng hóa không còn giá "đô" nữa, chỉ còn giá Việt Nam ở mức rất thấp. Các DN dệt may cần lưu ý rằng, vải không thể để được quá lâu. Khi đơn hàng bị trả lại, liệu hàng còn bền nữa không?", bà Thanh chia sẻ.
Với một số thế mạnh, nếu dệt may Việt Nam tập trung tốt thì cực kỳ hiệu quả và sẽ là hiệu ứng cho cộng đồng để có động lực làm những ngành khác. Chúng ta có thể nhờ viện phần mềm nội dung số, nhờ hội truyền thông số... để trợ giúp cho ngành dệt may Việt Nam hội nhập tốt nhất.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, cuộc CMCN 4.0 có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam và đặc biệt là dệt may. Nếu chúng ta không tập trung vào việc áp dụng công nghệ tiên tiến thì không thể tăng năng suất, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hiện chúng ta nói rất nhiều đến việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào dệt may, thậm chí là ví dụ ILO dự đoán trong khoảng 1 thập kỷ tới có khả năng máy móc thiết bị có thể thay thế con người đến 86% ở Việt Nam và 88% ở Campuchia. Điều này có thể xảy ra nhưng không thể một sớm một chiều.
"Chúng tôi cho rằng, 10 - 15 năm tới dệt may Việt Nam vẫn phát triển dựa vào những nền tảng chúng ta đã có. Do đó, ngành dệt may phải sử dụng những gì đã đầu tư và nguồn nhân lực sẵn có. Bên cạnh đó, phải tập trung vào nghiên cứu những khâu nào có thể ứng dụng công nghệ 4.0 để có thể thay thế những khâu lao động nhàm chán, lặp đi lặp lại, độc hại, khâu cần độ chính xác cao. Nếu chúng ta không ứng dụng chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau", ông Cẩm nhấn mạnh.
Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu nhưng đối với ngành dệt may, các DN phải có sự lựa chọn khâu nào trước, khâu nào sau, đồng thời phải kết hợp với điều kiện chung về khoa học kỹ thuật để ko tụt hậu và sử dụng những nguồn lực sẵn có để phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm