Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải vận hành trên máy chủ tại Việt Nam: Có còn phù hợp?

DNVN - Tại Điểm 1 Điều 44 Nghị định 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định, hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp phải vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng quy định này không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

BIDV Bình Định tài trợ 500 tỷ đồng cho dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Định / Long An: Hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Nghị định được sửa đổi nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch, giảm tối đa nguy cơ lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi, nâng cao hiệu quả quản lý ở địa phương, đồng thời nâng cao tính khả thi và thống nhất của quy định.
Tại Tọa đàm trực tuyến "Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp" (Nghị định 40) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 28/7, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông số, đã đưa ra góp ý liên quan tới yêu cầu hệ thống CNTT của doanh nghiệp phải vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Quy định này được thể hiện tại Điểm 1 Điều 44 của Nghị định 40.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, quy định này hiện không còn phù hợp. Với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là điện toán đám mây, các DN chuyển dịch các hệ thống về CNTT lên mô hình đám mây rất nhiều.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông số phát biểu tại tọa đàm.
Ông Nguyễn Quang Đồng lý giải, trên mô hình đám mây, hệ thống vận hành theo nguyên tắc không quan trọng dữ liệu hay máy chủ đặt ở đâu, quan trọng là khi được yêu cầu cung cấp thông tin thì DN có thể cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.
"Để thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ của DN cũng như tiết giảm chi phí cho DN, tôi kiến nghị điểm này nên sửa đổi thành hệ thống CNTT quản lý mạng lưới người tham gia phải cung cấp những thông tin như sau cho cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý có thể liệt kê những thông tin mà cơ quan quản lý cần thay vì đưa ra yêu cầu phải đặt máy chủ ở Việt Nam", Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông số đề xuất.
Tuy nhiên, giải thích việc đưa ra quy định đặt máy chủ tại Việt Nam, đại diện Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Trước đây, rất nhiều DN đặt máy chủ tại nước ngoài và khi tiến hành kiểm tra hay xử phạt, cơ quan quản lý không thể truy cập được dữ liệu và không thể bảo vệ được quyền lợi người tham gia.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
"Nếu một ngày đẹp trời, DN đóng hệ thống máy chủ, cơ quan quản lý không truy vết được, khi đó người dân ở Việt Nam chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, chúng tôi đưa ra yêu cầu DN phải đặt máy chủ ở Việt Nam và phải vận hành hệ thống CNTT tại Việt Nam. Khi vận hành tại Việt Nam đồng nghĩa với việc DN phải cập nhật thông tin thường xuyên", ông Trịnh Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, bán hàng đa cấp là ngành kinh doanh có điều kiện. Đứng về phía DN không ai muốn đưa ra các điều kiện để làm khó DN. Hiện các DN đều có quyền kinh doanh theo quy định. Thực tế đã chứng minh khi Nghị định 42 về hoạt động kinh doanh đa cấp đưa ra các điều kiện rất "mở", tạo mọi điều kiện kinh doanh cho DN. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng rất bất cập giai đoạn 2014 - 2015 và buộc cơ quan quản lý phải cho ra đời Nghị định 40 theo hướng siết chặt hơn.
"Nghị định 40 ra đời đã đạt được một số điểm, đến nay về cơ bản làm cho ngành kinh doanh theo phương thức đa cấp đi vào nề nếp. Chúng tôi đã loại bỏ hơn 50 DN ra khỏi thị trường. Dù số lượng DN giảm đi nhưng doanh thu và sự tham gia của người bán hàng đa cấp tăng lên. Điều đó cho thấy việc chúng ta đang đi là rất đúng hướng, đó là việc kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm ngành này phát triển đúng đắn, mang lại lợi ích cho cả người dân và DN", ông Tuấn đánh giá.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm