Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nam Bộ

Năm 2019, hoạt động thương mại, dịch vụ tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và TPHCM diễn ra sôi động, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 2.112.680 tỷ đồng, tăng 12,03% so với năm trước.

Bưởi diễn chưng Tết "khủng" giá 70 - 80 triệu đồng/cây tại TP.HCM / Tương lai nghề môi giới chứng khoán nhìn từ thị trường Hàn Quốc

Thông tin được đưa ra tại “Hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ năm 2019” diễn ra ngày 30/12 tại TPHCM.
Saigon Co.op - doanh nghiệp chủ lực tham gia bình ổn thị trường của TPHCM vừa khai trương siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tại tỉnh An Giang - Ảnh: VGP/Lê Anh
Saigon Co.op - doanh nghiệp chủ lực tham gia bình ổn thị trường của TPHCM vừa khai trương siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tại tỉnh An Giang - Ảnh: VGP/Lê Anh

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, chương trình bình ổn thị trường TPHCM có 87 doanh nghiệp (DN) tham gia; đến nay, các DN bình ổn thị trường Thành phố đầu tư 18 nhà máy, cơ sở sản xuất; 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư 12.066 tỷ đồng. Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, hệ thống phân phối tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và TPHCM có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, riêng TPHCM có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 238 chợ truyền thống và 2.658 cửa hàng tiện lợi.

Các hệ thống phân phối hiện đại của toàn khu vực có sự liên kết khá chặt chẽ do hầu hết được đầu tư bởi một số nhà bán lẻ tiềm lực lớn, phần lớn có trụ sở tại TPHCM như: Saigon Co.op, Satra, Fahasa, BigC, Lotte, Aeon, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh…

Liên kết phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đều cho rằng, chương trình hợp tác thương mại nói chung, phối hợp triển khai bình ổn thị trường nói riêng giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Trên cơ sở trao đổi thông tin hai chiều, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, cùng với cơ chế chính sách đầu tư gắn với chương trình bình ổn thị trường TPHCM, các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TPHCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại... xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM và cả khu vực.

Đặc biệt, trong thời gian qua, thông tin tình hình dịch tả lợn châu Phi, diễn biến thị trường, tình hình chăn nuôi, tổng đàn lợn, gà… tại các tỉnh, thành phố liên tục được cập nhật, qua đó giúp công tác dự báo thị trường, xây dựng giải pháp ứng phó đạt hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và TPHCM khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước lĩnh vực thương mại giữa các địa phương thông qua các chương trình khảo sát thực tế tình hình thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Triển khai chương trình bình ổn thị trường; mời gọi, khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế có năng lực, uy tín, thương hiệu tham gia Chương trình; phối hợp sở, ngành tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các DN, HTX, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…, xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm