Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận đất đai
DNVN - Hiện số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành nông nghiệp đang gia tăng nhanh chóng và các DN lớn trong nước đang tăng đầu tư trong nông nghiệp. Tuy nhiên, những DN này gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai.
Lâm Đồng gọi tên hàng chục doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế / Khuyến nghị DN đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch
Tại Hội thảo Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam doViện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức sáng 25/02 tại Hà Nội, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện IPSARD, đất đai tại Việt Nam khá manh mún, phân tán khi có đến 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha, 26% có từ 0,5-2 ha. Ngoài ra, một hộ nông dân có nhiều mảnh đất quy mô rất nhỏ, gây ra những bất cập trong sản xuất nông nghiệp, không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, DN nông, lâm, ngư nghiệp đang hoạt động trong năm 2018 là 9.235, trong đó doanh nghiệp thành lập mới chỉ riêng trong năm 2018 là 2.200.
Dẫn thống kê từ Điều tra PCI 2018 của VCCI - USAID, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: DN ngành nông nghiệp nước ta có đặc điểm là số đông vẫn là DN nhỏ, theo đó quy mô lao động phổ biến chỉ từ 10 đến 49 người.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Đề cập tới những khó khăn chính của DN nông nghiệp hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, 50% DN cho rằng đó là tìm kiếm khách hàng, trong đó tìm kiếm nguồn vốn 46%, biến động của thị trường 44%, tìm đối tác hợp tác kinh doanh 33%. Ngoài ra, những khó khăn khác cũng được DN phản ánh, đó là tìm kiếm nhân sự thích hợp, biến động chính sách - pháp luật, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp, thực hiện các thủ tục hành chính - pháp lý, và cơ sở hạ tầng yếu kém.
Trong khi đó, DN nông nghiệp đối mặt với những thủ tục hành chính gây phiên hà như thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, an toàn thực phẩm, xây dựng, hải quan, đăng ký kinh doanh - đầu tư, lao động, kho bạc...
4 khó khăn lớn khi tiếp cận đất đai
Về tiếp cận đất đai hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, có 4 khó khăn lớn, gồm khả năng tiếp cận, tích tục đất đai còn hạn chế; Góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa khả thi; Định giá đất; Thủ tục hành chính.
Trong đó, về khả năng tiếp cận, tích tụ đất đai, doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp, chỉ thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Còn DN nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
"Các biện pháp bảo đảm thực hiện dự án bị hạn chế. Đơn cử như Luật Đất đai quy định ký quỹ là biện pháp duy nhất để đảm bảo thực hiện dự án đối với trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (Khoản 3 Điều 58). Chưa đề cập tới các hình thức khác có hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong thực tiễn như bảo lãnh ngân hàng", ông Tuấn cho biết.
Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng được ông Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho là chưa khả thi. Cụ thể, đó là sự lúng túng, chưa rạch ròi giữa các hình thức góp vốn bằng quyền SDĐ mà bên góp vốn chuyển giao toàn bộ quyền SDĐ cho bên nhận góp vốn với hình thức góp vốn để hợp tác kinh doanh trong một thời hạn nhất định; Chính sách bảo vệ quyền lợi của bên góp vốn chưa rõ ràng, đầy đủ; Xử lý các quyền và nghĩa vụ có liên quan khi dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh bị chấm dứt hoặc nhà đầu tư bị giải thể, phá sản theo quy định đối với trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp với nhà đầu tư như thế nào?
Về định giá đất, khung giá đất Nhà nước hiện hành chưa phù hợp với thị trường, thường chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường. Khung giá đất do tỉnh ban hành cũng chỉ bằng từ 30 - 60% giá đất thị trường tại địa phương. Chưa có cơ chế tính giá đất rõ ràng, minh bạch...
Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, những thủ tục hành chính hiện nay thực sự gây nhiều khó khăn cho DN. Chẳng hạn, thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật không thống nhất, chồng chéo, liên quan nhiều cấp. DN và nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không?
Quy trình triển khai dự án bị kéo dài, bị đình trệ, bị tắc. Gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp.
Chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh cũng là thực trạng đáng lưu tâm. Kết quả khảo sát của VCCI qua việc thu thập ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương với 333 ý kiến của hơn 40 hiệp hội, đồng thời rà soát 20 luật và hàng chục văn bản dưới luật cho thấy: Mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư tập trung tại các luật: đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh BĐS, nhà ở, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước…
Trước thực trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cần tháo gỡ các rào cản tích tụ đất đai hiện nay về hạn điền, biện pháp bảo đảm thực hiện, góp vốn...; Bảo vệ quyền sở hữu và quyền hợp đồng của doanh nghiệp; Xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp: Luật Đất đai, Nghị định về tích tụ đất đai; Cải cách thủ tục hành chính; Rà soát, tháo gỡ các chồng chéo pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên thường xuyên tổ chức các hội thảo giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, vấn đề đất đai của doanh nghiệp nói chung...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo