Doanh nghiệp gỗ lo bị loại khỏi thị trường nếu Mỹ áp thuế đối ứng
Bình Định có 7 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2025 / Đà Nẵng lấy hàng không, cảng biển làm ưu tiên phát triển logistics đa phương thức
Mối lo từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có bước phát triển bứt phá trong những năm gần đây, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, tại hội nghị giao ban thương vụ tháng 2/2025 diễn ra mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều rủi ro lớn khi chính quyền Mỹ có động thái siết chặt các chính sách thương mại, đặc biệt là sắc lệnh ngày 13/2 của Tổng thống Donald Trump.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đạt hơn 17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm đến 9,1 tỷ USD. Đáng chú ý, mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ là đồ nội - ngoại thất đã qua chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm sơ chế như đồ gỗ, viên nén gỗ, ván công nghiệp.
Ngày 13/2, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh yêu cầu rà soát và áp thuế đối ứng đối với 17.000 mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST).
Theo đánh giá của VIFOREST, chính sách này có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ trong nước. Hiện Việt Nam xuất khẩu hơn 9 tỷ USD sản phẩm gỗ sang Mỹ, nhưng chỉ nhập khẩu khoảng 323,7 triệu USD từ Mỹ. Trong đó 300 triệu USD là nguyên liệu gỗ tròn, gỗ xẻ được hưởng thuế suất 0%, và 23 triệu USD là các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Mỹ đang chịu mức thuế từ 20 - 25% tại Việt Nam.“Nếu Mỹ áp thuế đối ứng 25% lên tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ từ Việt Nam, điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp trong nước mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh. Biên lợi nhuận của ngành gỗ vốn không cao, nếu bị đánh thuế 25%, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể bị loại khỏi thị trường Mỹ", ông Hoài bày tỏ.
Trước rủi ro này, VIFOREST đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm đồ gỗ nội thất từ Mỹ, từ mức 20 - 25% hiện nay về 0%.
Rủi ro từ sắc lệnh mới về nguyên liệu gỗ
Không chỉ dừng lại ở sắc lệnh ngày 13/2, ngày 1/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ tiếp tục ký sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng Mỹ rà soát để áp thuế 25% đối với gỗ tròn, gỗ xẻ và các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng.

Theo ông Hoài, nếu chỉ áp thuế lên gỗ tròn, gỗ xẻ thì không đáng lo ngại vì Việt Nam không xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ. Tuy nhiên, nếu chính sách này mở rộng sang các sản phẩm có nguyên liệu từ rừng, thì gần như toàn bộ ngành gỗ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Hiện nhiều khách hàng Mỹ đã ngần ngại ký hợp đồng nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Nếu chính sách thuế 25% này được thực thi, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ sẽ sụt giảm mạnh”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST lo lắng.
Thực tế, quan hệ thương mại gỗ giữa Việt Nam và Mỹ là mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gỗ tinh chế sang Mỹ, đồng thời là quốc gia nhập khẩu nguyên liệu gỗ lớn thứ hai thế giới từ Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Nguyên liệu từ Mỹ giúp doanh nghiệp Việt Nam chế biến ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều trong số đó được xuất khẩu ngược trở lại Mỹ.
Trước tình hình này, VIFOREST đề nghị các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Mỹ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, cập nhật thông tin và có kiến nghị kịp thời lên Chính phủ để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp gỗ trong nước. Một trong những giải pháp cấp bách là Việt Nam cần xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với đồ gỗ nội thất từ Mỹ về 0% để tạo cơ sở đàm phán với phía Mỹ.
Ngành gỗ Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ để giảm thiểu rủi ro trước các biến động chính sách thương mại quốc tế.
Việc bảo vệ và duy trì vị thế của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường toàn cầu không chỉ là bài toán của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chiến lược thương mại phù hợp với bối cảnh mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo