Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp khách sạn nhỏ và vừa chưa chủ động nhập cuộc sân chơi công nghệ

DNVN - Đây là khó khăn, thách thức và thực trạng của nhiều doanh nghiệp khách sạn được các đại biểu chỉ ra tại Hội nghị “Kinh doanh khách sạn tại Việt Nam trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0” do Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và Vietsolutions phối hợp tổ chức ngày 24/4 tại TP Hồ Chí Minh.

Những nghiệp vụ về thuế doanh nghiệp cần làm trước khi nghỉ lễ 30/4 / Thủ tướng: Không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ quá 1 lần

Sự phát triển của công nghệ 4.0 kéo theo rất nhiều sự thay đổi về thiết kế khách sạn, chất lượng dịch vụ và nhân sự hoạt động như sảnh đợi và điểm đến với các tính năng chiếu sáng công nghệ cao và dịch vụ IOT đầy đủ, kiểm tra trực tuyến và vào phòng không cần thẻ chìa khóa.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước đã chủ động tiếp cận công nghệ 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ vào các kế hoạch thiết lập hệ sinh thái du lịch thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Công nghệ phát triển thúc đẩy hệ thống khách sạn mở rộng không gian và thời gian quảng bá, phát triển thị trường, giảm chi phí quảng cáo, hỗ trợ số hóa cơ sở dữ liệu, phát triển du lịch thực tế ảo, tiết kiệm nhân lực lao động… tạo thuận lợi trong liên kết tour, tuyến và phát triển điểm đến, liên kết giữa các doanh nghiệp và phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhiều cơ sở lưu trú quy mô lớn, đạt chuẩn 5 sao được khai trương đưa vào hoạt động trải đều trên cả nước trong những năm gần đây. Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 28.000 cơ sở lưu trú với 556.000 buồng, trong đó hạng 5 sao có 145 khách sạn với hơn 47.100 buồng.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo bà Xoan, thực trạng hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khách sạn nhỏ và vừa chưa chủ động áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu thực tế ngày một cao của khách hàng.
Do đó, việc các cơ sở lưu trú phải đổi mới công nghệ phù hợp theo yêu cầu tiêu chuẩn của từng loại, hạng để có chất lượng dịch vụ tương xứng với tiêu chuẩn được xếp hạng, nâng cao cạnh tranh và sức hấp dẫn đối với du khách là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đề cập tới giải pháp quản lý khách sạn thông minh, ông Tôn Thất Hoàng, đại diện Tập đoàn FPT cho rằng các khách sạn không có cách nào khác là áp dụng công nghệ mới để bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên này, và thực hiện chế độ bảo mật an toàn để thông tin không bị rò rỉ hay đánh cắp.
Khẳng định sức mạnh công nghệ đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến ngành dịch vụ lưu trú Việt Nam, ông Len Cordiner, Tổng Giám đốc của Hotel Link, gợi ý rằng, các doanh nghiệp khách sạn nhỏ và vừa cần tăng cường hệ thống tiện ích đặt và quản lý phòng với những giải pháp thương mại điện tử hiện đại và thân thiện với người dùng. Việc mở rộng hợp tác nhằm mang lại sự thuận tiện trong việc quản lý tổng thể các khía cạnh cũng là điều mà các doanh nghiệp khách sạn cần lưu tâm.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm