Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ thất nghiệp tăng

Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang phải tìm cách vượt khó hậu Covid- 19 / BMW tăng cường sản xuất xe điện

Trong 6 tháng, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn DN, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trong 6 tháng, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn DN, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh hoạ: Internet)

Theo các chuyên gia, nguyên tắc thì "sau giai đoạn nén sẽ là giai đoạn bung”. Tuy nhiên, để doanh nghiệp "bung" cần phải có "bước đệm lò xo" chính là những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cắt giảm hiệu quả thủ tục hành chính, thủ tục chuyên ngành nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng, các dự án hiện nay vướng mắc nhiều và cũng qua nhiều năm chưa tháo gỡ được.

Doanh nghiệp vẫn đang rất khó

Trong 6 tháng, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn DN, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19,6 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%; 7,4 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5%; 22,4 nghìn DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 33,9%.

Khó khăn của nền kinh tế còn được thể hiện ở việc cầu tín dụng tăng chậm. Tính đến ngày 16/6/2020, cho vay các doanh nghệp nhỏ và vừa (DNNVV) giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cũng có nghĩa là rất ít DN nhỏ và vừa, vốn chiếm trên 90% tổng số DN cả nước, vay vốn mới từ ngân hàng.

 

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ngoài những DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì có nhiều DN do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn, không có nhu cầu vay vốn, hoặc lãi suất cho vay cao, tính ra không hiệu quả nên không vay.

Tại thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%), tức là hiện tượng dư thừa vốn đang rất lớn tại các ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi ngân hàng thừa tiền cũng có nghĩa là nền kinh tế không hấp thụ được. Hoạt động sản xuất của DN vẫn gặp khó khăn, như vậy sẽ kéo theo hiện tượng dư thừa lao động.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, 6 tháng đầu năm, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng, trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất 5 năm trở lại đây.

Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 540 nghìn động, bằng 36,5% kế hoạch năm. Hơn 565 nghìn người đã nộp hồ sơ thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ.

 

Gỡ rào cản chính sách

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê nhận định, dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, bà Hương cho rằng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định, từ nay đến cuối năm, lĩnh vực lao động, việc làm tiếp tục gặp khó khăn.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá khó khăn vẫn còn chờ phía trước. Điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh hàng quý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục thống kê công bố cho thấy, có có 11,9% DN dự báo đơn hàng trong quý III tiếp tục giảm và 15,2% DN dự báo tồn kho sản phẩm trong quý III tăng so với quý II.

 

Về quy mô lao động, có 10,1% DN dự báo giảm quy mô lao động trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm.

Theo các doanh nghiệp, có yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nhu cầu thị trường trong nước thấp, gặp khó khăn về tài chính, nhu cầu quốc tế thấp.

Ngoài ra, do thị trường quốc tế vẫn đóng cửa để phòng chống dịch bệnh nên các doanh nghiệp thiếu nguyên, nhiên, vật liệu để sản xuất. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất vay vốn cao khiến doanh nghiệp không dám vay vốn…

Trước tình trạng trên, các chuyên gia lo lắng về phục hồi kinh tế, đặc biệt là sức khoẻ của DN. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong tình trạng dịch Covid-19 nhiều DN có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp; nguồn thu ngân sách quốc gia sụt giảm nghiêm trọng.

Vì vậy, để giải quyết khó khăn cho DN, cần gỡ những rào cản về chính sách cho DN. “Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu, nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp giấy phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết”, ông Phương cho hay.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm