Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiến nghị cơ chế giá vé máy bay hợp lý để thu hút khách du lịch tới Phú Quốc

DNVN - Đại diện Hội Đầu tư Phát triển du lịch TP Phú Quốc đề xuất lãnh đạo tỉnh cần làm việc với Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để có cơ chế giá vé máy bay hợp lý đáp ứng quyền lợi của các hãng, thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

14 hiệp hội kiến nghị giảm định mức chi phí tái chế, chưa xử phạt về EPR / Lâm Đồng: Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến huyện Lạc Dương ký kết hợp tác

Ngày 23/5, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lần thứ I/2023, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập trung các vấn đề về sớm hoàn thành thủ tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung TP Phú Quốc; sớm ban hành giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất cho các dự án, xác định giá đất phù hợp với thời điểm ban hành quyết định cho thuê đất; đồng thời, nhiều kiến nghị gỡ khó cho ngành du lịch cũng được quan tâm.

Ngành du lịch Kiên Giang gặp khó trong thời gian qua.

Ngành du lịch Kiên Giang gặp khó trong thời gian qua.

Đại diện Hội Đầu tư Phát triển du lịch TP Phú Quốc, ông Trần Trung Kết đề xuất, lãnh đạo tỉnh cần làm việc với Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để có cơ chế giá vé máy bay hợp lý không những đáp ứng quyền lợi của các hãng hàng không mà còn thúc đẩy hoạt động du lịch cho địa phương cũng như quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong những ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, tết.

Bên cạnh đó, cần xử lý tình trạng ô nhiễm từ bãi rác Đồng Cây Sao, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn TP Phú Quốc để kiểm soát chất lượng nước thải đạt yêu cầu, bảo vệ môi trường. “Ngừng hoàn toàn việc tập kết rác thải tại bãi rác Đồng Cây Sao và bố trí khu vực tập kết rác tại địa điểm xa các trung tâm du lịch, không ảnh hưởng đến dân cư, du khách…”, ông Kết kiến nghị.

Để phát triển du lịch vững mạnh, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư CNT Group (CNT Group, TP Hà Tiên) cho rằng, cơ quan chức năng giải quyết triệt để theo chủ trương quy hoạch chợ đêm kinh doanh tập trung ở TP Hà Tiên.Quản lý nghiệp đoàn xe lôi, tư vấn chính xác cho khách tham quan trên địa bàn thành phố theo hướng tích cực.

“TP Hà Tiên sớm có phương án xem xét để doanh nghiệp có bến bãi riêng nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế lâu dài cho địa phương. Cấp quyền sử dụng đất và hoàn công công trình khách sạn để doanh nghiệp được hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp chung của ngành du lịch Hà Tiên”, đại diện CNT Group nêu.

Để giảm bớt áp lực chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình chung còn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho rằng các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có chính sách giá cho thuê đất phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

“Các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường thế giới. Các ngân hàng cần sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo đảm room tín dụng, giảm lãi suất cho vay và ổn định tỷ giá ngoại tệ ở mức hợp lý nhằm đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thương trường xuất khẩu…”, Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang kiến nghị.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các các sở, ban, ngành và UBND TP Hà Tiên, Phú Quốc đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp với nội dung khá đầy đủ, kịp thời, đúng hạn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng kiến nghị của doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại buổi đối thoại doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại buổi đối thoại doanh nghiệp.

Ghi nhận những đóng góp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là khu vực có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

“Nhờ sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 68.436 tỷ đồng, đạt 116,64% kế hoạch. Đây cũng là năm Kiên Giang đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và nằm trong top 30 tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của nước”, ông Thành nói.

Ông Lâm Minh Thành cho biết thêm, hiện số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng trở lại, có 1.872 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 25.081 tỷ đồng, tăng 42% về số lượng. Tuy đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng sự phục hồi kinh tế của tỉnh và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng.

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đổi mới công tác đối thoại, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời…”, Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm