Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp mong chờ sự hỗ trợ thiết thực để "vượt bão" COVID-19

DNVN - Hầu hết các doanh nghiệp đều lo lắng đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Chính phủ duy trì hoạt động sản xuất để từng bước "vượt bão" COVID-19.

Bất chấp COVID-19, nhiều dự án từ Hoa Kỳ vẫn "đổ bộ" Đà Nẵng / Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, khó lường, đã “tấn công” trực diện vào hoạt động của doanh nghiệp sản xuất trên nhiều tỉnh thành. Để thích nghi với yêu cầu phòng, chống dịch ở mức cao nhất, doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” nhằm giữ vững an toàn hoạt động sản xuất.

Thế nhưng, dù chấp hành các quy định của Nhà nước là thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 địa điểm” hay tạm ngừng sản xuất để bảo vệ người lao động, tránh dịch bệnh lây lan nhưng các doanh nghiệp vẫn đang như “ngồi trên đống lửa”.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Phát, Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại và May mặc Mạnh Phát (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết, căn cứ vào quy định của UBND TP Hồ Chí Minh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, ban lãnh đạo công ty đã họp, thảo luận và thống nhất tạm ngừng hoạt động công ty và cho hơn 250 người lao động tạm nghỉ từ ngày 15/7 đến hết ngày 1/8. Theo đó, tiền lương những ngày người lao động phải ngừng việc được trả theo Luật Lao động.

Hầu hết các doanh nghiệp lo lắng đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hầu hết các doanh nghiệp lo lắng đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phát, thực tế, do công ty nhỏ chỉ với 250 nhân công, trước giờchỉ đặt thức ăn ở ngoài. Khi áp dụng “3 tại chỗ” khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức ăn nghỉ tại chỗ của công ty là khâu ăn uống vì do dịch nên nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động để chống dịch, muốn đặt đồ ăn cho công nhân, họ cũng không nhận. Chưa kể, rất nhiều công nhân không chịu ở lại tập trung, đặc biệt là công nhân nữ vì họ còn phải lo cho gia đình, con cái, mà ở thì không biết đến bao giờ mới được về.

“Trong những tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với năm trước đó, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi đã tạm ngưng hoạt động. Việc tạm ngừng sản xuất khiến doanh nghiệp tổn thất rất lớn, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, rất khó để công ty duy trì ổn định sản xuất đáp ứng được tiến độ hợp đồng. Hiện chúng tôi đang phải đàm phán lại với đối tác về thời gian thực hiện hợp đồng”, ông Phát cho lo lắng.

Với Công ty TNHH Doanh Thuận Phát (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), hơn 2 tuần nay công ty đã cho người lao động lưu trú tại công ty để phòng dịch và đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc công ty cho biết, điều doanh nghiệp lo lắng nhất là trong tình huống dịch diễn biến xấu, doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động một thời gian sẽ ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.

“Là đơn vị chuyên sản xuất bao bì và cung ứng rất nhiều cho ngành gạo, bao bì thực phẩm, doanh nghiệp chúng tôi có những đơn hàng được thiết kế chỉ riêng một mặt hàng, sản phẩm, nếu bị gián đoạn sản xuất, không cung ứng kịp, các lô hàng ấy sẽ bị đối tác ngừng hợp đồng và sản phẩm đó không thể tiêu thụ được ở nơi khác nên thiệt hại rất lớn”, ông Minh bày tỏ.

Mong muốn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là có nguồn vaccine để tiêm phòng cho người lao động. (Trong ảnh: Một doanh nghiệp tại quận Bình Tân sản xuất giãn cách trong mùa dịch bệnh)

Một doanh nghiệp tại quận Bình Tân sản xuất giãn cách trong mùa dịch bệnh.

Tương tự, một chủ doanh nghiệp ngành vận tải khách tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên cả năm nay ông phải “liệu cơm gắp mắm”, co hẹp mảng vận tải, mở một số dịch vụ khác đơn vị mình phát triển theo những cách riêng để duy trì việc làm cho nhân viên nhưng đến lúc bị phong tỏa để phòng dịch thì không còn kham nổi.

“Nợ ngân hàng, chi phí lãi vay và tiền lương nhân viên gồng gánh mãi đã cạn nguồn. Thời gian qua chúng tôi muốn bán bớt đầu xe để giải quyết khó khăn cũng không được vì vướng vay vốn ngân hàng. Kinh doanh bị đình trệtrệ khiến doanh nghiệp không có doanh thu, không có dòng tiền để trả nợ ngân hàng”, vị này nói.

Có thể thấy, hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và nếu tình hình này diễn ra lâu dài sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều rủi ro cũng như thiệt hại. Do đó,mong muốn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là Chính phủ, cơ quan bàn ngành có những giải pháp đột phá để dập dịch, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhằm sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

“Dịch bệnh kéo dài khiến sức chống chịu của doanh nghiệp bị giảm sút, kéo theo rất nhiều lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm. Thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ trước đây các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vì nhiều tiêu chí không đạt, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ. Là một doanh nghiệp nhỏ, vừa mới thành lập, chúng tôi cũng mong được giảm lãi suất vay vốn, bởi đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh”, ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Thương mại May mặc Gia Linh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm