Doanh nghiệp Nhật Bản đồng loạt tính cách rời khỏi Trung Quốc
Trung Quốc chính thức tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ / Niềm tự hào pháo binh Nga ngày càng tụt hậu trước Trung Quốc
Mỹ đã áp thuế ngày càng cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu thuế quan được Mỹ áp đặt mở rộng đối với toàn bộ sản phẩm của Trung Quốc, nhiều hàng hóa do các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất sẽ trở nên đắt đỏ hơn và giảm bớt sức cạnh tranh trên thị trường.
Bắt đầu từ mùa hè năm 2018, cuộc chiến thương mại ngày càng nóng lên giữa Mỹ và Trung Quốc được dự đoán khó có thể giải quyết nhanh chóng sau khi đợt áp thuế thứ 3 của Trung Quốc lên hàng hóa Mỹ có hiệu lực từ hôm 1/6.
Trước đó, Mỹ đã thông báo dự thảo kế hoạch vào ngày 13/5, dự kiến áp thuế lên tới 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một phần trong đợt áp thuế thứ 4 của Mỹ nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
40% mặt hàng bị đánh thuế sắp tới là hàng tiêu dùng. Việc giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế tăng lên sẽ dẫn tới mức độ tiêu thụ các mặt hàng này tại Mỹ bị giảm đi. Nếu kế hoạch áp thuế của Mỹ được thực thi, nhiều người lo ngại động thái này sẽ gây ra tác động trên quy mô lớn chưa từng có.
Ngoài điện thoại di động và máy tính bảng, các mặt hàng bị nhắm mục tiêu đánh thuế còn có thiết bị chơi game, đồng hồ đeo tay và quần áo được sản xuất hàng loạt bởi các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.
Theo Straitstimes, để ứng phó với bối cảnh mới, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản tìm cách chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và một số nước khác.
“Làn sóng” công ty rời khỏi Trung Quốc
Công ty Casio Computer đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất đồng hồ, bao gồm “át chủ bài” là đồng hồ đeo tay G-Shock, cũng như các dụng cụ âm nhạc từ Trung Quốc sang Thái Lan và Nhật Bản.
Casio ước tính doanh thu từ đồng hồ đeo tay của hãng dự kiến mất khoảng 700 triệu yen (khoảng 6,4 triệu USD) do các lệnh áp thuế của Mỹ. Mức thiệt hại của Casio dự kiến sẽ giảm một nửa nếu chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác.
Trong khi đó, hãng Ricoh cũng quyết định chuyển dây chuyền sản xuất máy in đa năng, máy photo, máy scan và máy fax cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan vào đầu mùa hè này.
Fast Retailing, công ty đang điều hành hãng quần áo Uniqlo, bắt đầu thảo luận về việc tăng cường hợp tác với các nước Nam Á và Đông Nam Á như Bangladesh và Việt Nam để sản xuất quần áo. Fast Retailing đang bán sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cho 50 đại lý ở Mỹ.
Panasonic đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất loa ô tô và các thiết bị ô tô khác từ Trung Quốc sang các nhà máy ở Thái Lan và Malaysia.
Tuy vậy, một số công ty vẫn do dự về việc từ bỏ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc do lo ngại về chi phí dịch chuyển cũng như xây dựng lại mạng lưới cung ứng. Chính sách “Thoát khỏi Trung Quốc” không phải là điều dễ dàng đối với các công ty Nhật Bản vốn phụ thuộc vào các dây chuyền sản xuất được ủy quyền.
Khoảng 40% thiết bị chơi game do công ty Nintendo Switch sản xuất tại Trung Quốc được bán tại các thị trường Bắc Mỹ và Nam Mỹ, trong đó Mỹ chiếm doanh số lớn nhất.
Giá nhập khẩu các thiết bị chơi game của Nintendo Switch vào thị trường Mỹ có thể tăng lên 25% sau đợt áp thuế thứ 4 của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Nitendo không thể đơn phương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì các thiết bị chơi game của hãng do một công ty có trụ sở Đài Loan sản xuất theo sự ủy quyền của Nintendo.
Trong khi đó, công ty Kyocera cũng đang nghiên cứu khả năng chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy in đa chức năng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, Kyocera chỉ sản xuất một số lượng mẫu máy in hạn chế tại quốc gia Đông Nam Á.
“Không dễ để di dời dây chuyền sản xuất”, một nguồn thân cận với Kyocera cho biết.
Nhu cầu sử dụng các linh kiện do các công ty Nhật Bản sản xuất trong các sản phẩm của Trung Quốc cũng sẽ giảm sút do cuộc chiến thương mại kéo dài. Theo ước tính của nhà kinh tế học Shunsuke Kobayashi tại Viện nghiên cứu Daiwa, doanh thu xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 1,3 nghìn tỷ yen nếu đợt áp thuế thứ 4 của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.
Trong một diễn biến có liên quan, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc Han Jun cảnh báo nông dân Mỹ sẽ không thể chống chọi được nếu mất thị trường Mỹ, nhưng nông dân Trung Quốc vẫn đủ khả năng chịu được tác động từ lệnh áp thuế của Washington.
“Nếu Mỹ không dỡ bỏ toàn bộ thuế quan bổ sung áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, thương mại nông nghiệp song phương, bao gồm mua bán đậu nành, sẽ không bao giờ trở lại quỹ đạo bình thường. Nếu Mỹ mất đi thị trường Trung Quốc, sẽ rất khó để Mỹ giành lại được”, ông Han Jun tuyên bố. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo